Theo CNBC, ngày 5/9, Indonesia đã cấp thị thực vàng đầu tiên cho CEO Sam Altman, chỉ vài ngày sau khi nước này công bố chương trình thị thực vàng nhằm thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Slimy Karim, Cục trưởng Nhập cư, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia cho biết, có một số trường hợp được cấp visa vàng không dựa trên cơ sở đầu tư như các nhân vật có uy tín trên toàn cầu và có thể mang lại lợi ích cho Indonesia. Để được cấp thị thực vàng, người này phải được Chính phủ Indonesia đề xuất.
Là CEO kiêm đồng sáng lập công ty nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo OpenAI, ông Sam Altman được xem là người có sức ảnh hưởng trong giới công nghệ toàn cầu. Ông bắt đầu thu hút sự chú ý của thế giới từ khi ra mắt công cụ chatbot ChatGPT vào cuối năm 2022.
Indonesia đã cấp thị thực vàng đầu tiên cho CEO OpenAI Sam Altman, cho phép ông lưu trú dài hạn cùng nhiều đặc quyền. |
Trước đó, tháng 6 năm ngoái, CEO OpenAI từng đến Indonesia để chia sẻ kiến thức về trí tuệ nhân tạo. "Với thị thực vàng này, hy vọng ông Sam Altman sẽ đóng góp cho sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Indonesia", ông Karim nói.
Thị thực vàng của CEO Sam Altman có thời hạn 10 năm và doanh nhân người Mỹ này sẽ được hưởng một số đặc quyền như nhập cảnh bằng cổng ưu tiên tại sân bay, dễ dàng xuất nhập cảnh tại Indonesia cùng thời gian lưu trú dài.
Trước đó, Reuters đưa tin ngày 3/9, Bộ Pháp luật và Nhân quyền Indonesia đã công bố thông tin chương trình thị thực vàng. Thị thực vàng sẽ cấp phép cư trú trong thời gian từ 5 đến 10 năm, bắt đầu từ ngày 25/12/2023.
Để có được thị thực 5 năm, các nhà đầu tư cá nhân cần thành lập một công ty trị giá 2,5 triệu USD. Đối với thị thực 10 năm, họ cần phải đầu tư 5 triệu USD. Trong khi đó, các nhà đầu tư doanh nghiệp phải rót 25 triệu USD để có được thị thực 5 năm cho giám đốc và ủy viên hội đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cần đầu tư gấp đôi, tương đương 50 triệu USD, để có được thị thực 10 năm.
Bên cạnh đó, còn có nhiều quy định khác nhau áp dụng cho các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không có nguyện vọng thành lập công ty ở quốc gia Đông Nam Á này. Quy định đó bao gồm 350.000 USD-700.000 USD trong các quỹ có thể được sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ Indonesia.
"Một khi đến Indonesia, những người có thị thực vàng không cần phải xin giấy phép nữa", ông Silmy Karim tuyên bố.
Động thái trên được cho là nhằm trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế Indonesia.
Theo Reuters, nhiều quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Ireland, New Zealand và Tây Ban Nha đã cấp thị thực vàng tương tự cho các nhà đầu tư nhằm tìm cách thu hút vốn và thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp.