Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận. |
Chiều 29/5, phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, 60% các vấn đề đại biểu Quốc hội ý kiến trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội đề cập đến những hạn chế, tồn tại, yếu kém; đùn đẩy, sợ trách nhiệm; liên quan đến thủ tục hành chính, lãng phí nguồn lực, không tiết kiệm... Và các vấn đề này đều liên quan đến ba bộ luật: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
“Ba bộ luật này đã được Quốc hội ủng hộ và thông qua. Nếu ba bộ luật này đi vào cuộc sống thì những hạn chế, yếu kém sẽ được giải quyết,” Phó Thủ tướng nói, đồng thời nhấn mạnh đây cũng chính là lý do Chính phủ quyết tâm trình Quốc hội cho phép các bộ luật trên sớm có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1/7 tới.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Phó Thủ tướng dành thời gian làm việc với tất cả 63 tỉnh, thành, với các hiệp hội và doanh nghiệp ở các địa phương. Mục đích để thảo luận về các dự thảo hướng dẫn, xem đã phản ánh đầy đủ luật hay chưa.
"Nếu được Quốc hội cho phép ngày hiệu lực là 1/7, Chính phủ sẽ quyết tâm làm đầy đủ các văn bản hướng dẫn,” Phó Thủ tướng khẳng định. Cụ thể, sẽ có 14 nghị định, khoảng trên 10 thông tư. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các địa phương xây dựng và các Bộ, ngành cùng tham gia để đảm bảo sự liên thông, thống nhất về pháp luật.
Trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu về vấn đề định giá đất, Phó Thủ tướng cho biết, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân liên quan đến thất thoát, khó khăn, đùn đẩy. Ông tin rằng sau khi Luật Đất đai 2024 được triển khai, vấn đề này sẽ được giải quyết, khi giá đất phù hợp, sát với thị trường. Đặc biệt khi có dữ liệu về đất đai, sẽ có dữ liệu của từng thửa đất và dữ liệu của từng thời điểm, vấn đề định giá đất sẽ không gặp khó khăn.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) phát biểu tại hội trường. |
DỰ ÁN 13 NĂM CHƯA ĐƯỢC THẨM ĐỊNH GIÁ ĐẤT
Trước đó, khi thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội đã đề cập đến vấn đề lãng phí nguồn lực đất đai. Theo đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Nam Định), thực trạng đất đai tại các dự án chậm đưa vào sử dụng diễn ra trên toàn quốc, đây cũng là điểm nghẽn cần có giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Đại biểu cho rằng, công tác thẩm định giá đất gặp khó nên không thể đưa vào sử dụng. Ông dẫn chứng dự án xây chợ tại Hóc Môn, TP HCM, đã phê duyệt dự án từ năm 2011. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã 29 lần gửi thư cho đơn vị có chức năng thẩm định giá đất nhưng đều không thành.“Vậy lần thứ 30 sẽ như thế nào?,” đại biểu nêu vấn đề.
Đại biểu Vũ Trọng Kim đề xuất xem xét trách nhiệm của đơn vị có chức năng về thẩm định giá đất trước pháp luật, trong đó cần có chế tài đối với đơn vị 3 lần trở lên không thực hiện nhiệm vụ.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hoá) cho biết, chính sách nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Dù đã có nhiều cuộc họp nhằm đẩy mạnh triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhưng đến nay vẫn còn những bất cập từ việc tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn vay từ gói 120.000 tỷ đồng. Đại biểu cho rằng nguyên nhân là thủ tục pháp lý phức tạp; tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn vay còn khó khăn...
Từ đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai thuận lợi hơn, đẩy mạnh để nhà đầu tư, người mua có nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng. Bố trí thêm từ nguồn lực để đầu tư nhà ở xã hội ở những nơi khó thu hút nhà đầu tư; đa dạng hóa các hình thức nhà ở xã hội, các hình thức thuê, thuê mua để phù hợp với nhu cầu, điều kiện, khả năng của người lao động.