Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á mới phát hành của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các điều kiện tài chính trong khu vực nhìn chung vẫn ổn định, ngay cả khi vẫn còn sự không chắc chắn về lập trường tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực ngân hàng của các nền kinh tế phát triển chủ chốt. Các thị trường chứng khoán sụt giảm và đồng nội tệ suy yếu nhẹ so với đồng USD trong khoảng thời gian từ 1/3 đến 2/6, trong khi phí bảo hiểm rủi ro giảm.
Hầu hết các ngân hàng trung ương trong khu vực Đông Á mới nổi đã giảm tốc độ tăng lãi suất, còn tình trạng bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng ở Hoa Kỳ và châu Âu cho tới nay chỉ có tác động hạn chế đến thị trường tài chính khu vực.
Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, lo ngại về sự ổn định tài chính và lạm phát đang dẫn tới sự không chắc chắn về lập trường tiền tệ của Fed. Các điều kiện tài chính trong khu vực có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình trạng không chắc chắn này.
Báo cáo cũng nêu rõ, tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực đông Á mới nổi đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 23,8 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3. Sự gia tăng này chủ yếu do các Chính phủ phát hành nợ ồ ạt vào đầu năm để tài trợ cho các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế. Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được duy trì ở mức vừa phải, một phần do lãi suất cao hơn.
Tăng trưởng trên thị trường trái phiếu bền vững của khu vực Đông Á mới nổi và Nhật Bản đã giảm còn 5,9% so với quý trước, với tổng giá trị trái phiếu bền vững đạt 633,9 tỷ USD vào cuối tháng 3.
Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng, khu vực ASEAN+3 vẫn là thị trường trái phiếu bền vững lớn thứ hai trên thế giới, ngay cả khi khu vực này cần thêm đồng nội tệ và nguồn tài chính dài hạn. Trái phiếu xanh, tài trợ bằng đồng nội tệ và phát hành của khu vực tư nhân chiếm ưu thế trong phát hành trái phiếu bền vững của khu vực.
Tại Việt Nam, theo ADB, sự mở rộng trong cả phân khúc trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp đã giúp thị trường trái phiếu tổng thể của Việt Nam tăng 5,1% so với quý trước, lên tới 111,9 tỷ USD. Hoạt động của trái phiếu doanh nghiệp tăng lên sau khi Chính phủ nới lỏng một số quy định về trái phiếu, dẫn tới việc phát hành trở lại trong quý này.
Từ 1/3 đến 2/6, lãi suất trái phiếu chính phủ giảm đối với tất cả các kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy ổn định tài chính, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.