Trong khuôn khổ Dự án khu vực “Mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong” (NARDT), hội thảo “Chuyển đổi hệ thống ngành hàng lúa gạo của các nước tiểu vùng sông MeKong” đã được tổ chức chiều 26/8.
Chia sẻ về mục đích của hội thảo, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, đây là cơ hội để các thành viên mạng lưới NARDT, tổ chức quốc tế, đối tác cùng mối quan tâm trao đổi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và đề xuất các khuyến nghị, tư vấn chính sách phù hợp với các ưu tiên phát triển của ngành hàng lúa gạo trong khu vực.
Dự án khu vực “mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mekong” được triển khai từ năm 2019, với cơ chế hợp tác rất linh hoạt. Trong đó, tất cả các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ phối hợp để nâng cao chất lượng của chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
"Dự án sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân rộng, thể chế hóa những thực hành tốt, bài học kinh nghiệm, sáng tạo đổi mới từ mỗi quốc gia. Đặc biệt là những vấn đề xoay quanh kết quả nghiên cứu về chuyển đổi hệ thống ngành hàng lúa gạo tại 3 quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong là Việt Nam, Lào, Campuchia".
Nhận định chung về tình hình sản xuất nông nghiệp, ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, đánh giá, hiện nay giá lương thực, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu đều tăng lên chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân trên toàn cầu.
“Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn phải giải quyết những thách thức về đói nghèo, suy dinh dưỡng, mục tiêu phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong phải giải quyết tận gốc những nguyên nhân gây nên đói nghèo, suy dinh dưỡng thông qua quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng”, ông Rémi Nono Womdim nhận định.
Theo Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, trong chiến lược hoạt động của mình, FAO sẽ nỗ lực hỗ trợ chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững thông qua quá trình chuyển đổi sang hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm bao trùm, hiệu quả, khả năng chống chịu cao, bền vững, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam
“Lúa gạo vẫn là cây lương thực rất quan trọng đảm bảo chủ quyền an ninh lương thực tại khu vực tiểu vùng sông Mekong. Chính vì vậy, việc chuyển đổi hệ thống ngành hàng lúa gạo sẽ tạo ra lộ trình tiến tới cải thiện được an ninh dinh dưỡng, lương thực cho hàng triệu người dân nghèo ở khu vực nông thôn”.
“Để hiện thực hóa được việc chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm, trong đó có hệ thống sản xuất lúa gạo, các quốc gia phải xây dựng được các đối tác hiệu quả, năng động. Đồng thời, xác định các tác nhân, quy mô khác nhau, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong việc tham gia vào quá trình nghiên cứu chính sách, sản xuất, kinh tế và môi trường”, ông Rémi Nono Womdim đưa ra khuyến nghị cho 3 nước tiểu vùng sông Mekong.
Tổ chức lại sản xuất là trọng tâm chính sách
Từ định hướng của FAO, đại diện 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đưa ra những ý kiến đóng góp căn cứ theo điều kiện cụ thể từng quốc gia. Theo đại diện Viện Nghiên cứu Nông, Lâm nghiệp quốc gia Lào (NAFRI), ngành nông nghiệp chiếm 75% tổng lực lượng lao động và đóng góp 25,5% vào tổng sản phẩm quốc nội. Lúa gạo là cây lương thực thiết yếu nhất tại Lào với tổng diện tích chiếm hơn 63% tổng diện tích canh tác của cả nước.
Lào là một trong những nước có mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người cao nhất thế giới (206 kg/năm). Các nghiên cứu cho thấy, mức tiêu thụ gạo bình quân đầu người đang giảm dần ở Lào, đặc biệt là khu vực thành thị, nơi người dân có thu nhập cao hơn và lựa chọn lương thực đa dạng hơn.
Hầu hết nông dân Lào sản xuất nông nghiệp theo hình thức canh tác truyền thống. Do đó, trong bối cảnh chi phí thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học ngày càng tăng đã mang lại cho Lào lợi thế so sánh trong sản xuất thực phẩm sạch và an toàn với chi phí tương đối thấp.
Trong khi đó, đại diện Viện Phát triển nguồn lực Campuchia(CDRI) lại cho rằng, hệ thống thủy lợi cần được đánh giá và cải thiện để đảm bảo khả năng cung cấp nước tưới trong mùa khô và chống hạn. Việc đánh giá chính sách nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa cần được tiến hành thường xuyên để đưa ra quyết định kịp thời cho việc cải tiến các chương trình.
Bên cạnh đó, CDRI kiến nghị Chính phủ cần cải thiện chuỗi giá trị lúa gạo thông qua tích hợp dọc, chẳng hạn như hợp đồng canh tác. Các dịch vụ khuyến nông cần được tăng cường, không chỉ để cung cấp kiến thức, kỹ thuật về canh tác mà còn hỗ trợ chiến lược tiếp thị, tiếp cận thị trường cho lúa gạo. Ngoài ra, cần thường xuyên đánh giá thị trường gạo thơm và gạo hữu cơ để kịp thời đưa ra các hành động chính sách trong tương lai...
Còn đối với Việt Nam, TS. Đặng Kim Sơn, Cố vấn vùng cấp cao Dự án NARDT, cho rằng, hiện nay, một điểm chung của nông dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia là sản xuất chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nên sự hiện diện trong chuỗi giá trị, thị trường toàn cầu không đủ mạnh. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất là yếu tố vô cùng quan trọng.
TS. Đặng Kim Sơn, Cố vấn vùng cấp cao Dự án NARDT
“Đối với nông dân Việt Nam, quy mô đất canh tác hạn hẹp nên dù đã áp dụng nhiều biện pháp như tăng vụ, sử dụng khoa học kỹ thuật, để tăng năng suất thì hiệu quả kinh tế đem lại vẫn không đáng kể. Do đó, việc mở rộng quy mô sản xuất là việc cần làm đầu tiên, tiếp sau đó mới đến áp dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ”.
Do đó, theo TS. Đặng Kim Sơn, nông dân Việt Nam cần phát triển theo chuỗi giá trị, trong đó tập trung xây dựng các vùng chuyên canh lớn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa gạo xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, áp dụng các tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc, nâng tầm thương hiệu.
Đưa ra góp ý với nông dân hai nước Lào và Campuchia, ông Sơn cho rằng, việc cải thiện hệ thống thủy lợi là việc hết sức quan trọng trong tương lai. Đồng thời, hai quốc gia đang hạn chế về các doanh nghiệp xay xát, kinh doanh lúa gạo nên trước mắt cần phải phối hợp với các nước xung quanh để xuất khẩu được gạo.
“Tuy nhiên, đây là giải pháp trước mắt, về lâu dài cả hai nước phải tự mình xây dựng hệ thống doanh nghiệp để tiến ra thị trường thế giới”, TS. Đặng Kim Sơn lưu ý.