Nhà hàng dịch vụ bán đồ ăn, thức uống trong năm 2022 ước tăng lên 338.604 nhà hàng trong năm 2022. |
Báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) của iPOS phối hợp cùng CTCP Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) và Cộng đồng chuyên trang F&B Việt Nam năm 2022, công bố tháng 1/2023 đã đưa ra góc nhìn tổng thể về ngành kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam.
Khảo sát được tiến hành trên hơn 3.000 chủ doanh nghiệp/nhà quản lý các thương hiệu F&B và gần 4.000 thực khách trên toàn quốc, chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bình Dương...
Theo báo cáo, Việt Nam có 294.204 nhà hàng dịch vụ bán đồ ăn, thức uống trong năm 2016 và ước tính tăng lên 338.604 nhà hàng vào năm 2022.
Mặc dù năm 2021 và 2022 chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành F&B vẫn chứng kiến tốc độ tăng trưởng đều đặn. Quy mô doanh thu ngành F&B 2022 đạt gần 610 nghìn tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2021.
Có thể thấy, ngành kinh doanh ẩm thực trong năm qua đã lấy lại được mức tăng trưởng, thậm chí vượt bậc so với giai đoạn trước Covid-19.
Tín hiệu khả quan về tăng trưởng doanh thu năm 2022 được IPOS nhận định nhờ cách tiếp cận thích ứng an toàn để phát triển kinh tế của Chính phủ. Như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh các ngành dịch vụ nhà hàng, ăn uống, du lịch, đồng thời kích thích người tiêu dùng mua sắm, chi tiêu.
Từ đó doanh số bán hàng của toàn ngành dịch vụ F&B Việt Nam được củng cố và đẩy mạnh. Xét riêng dịch vụ nhà hàng/cà phê tại Việt Nam năm 2022 chiếm 14,48% ở Hà Nội, trong khi tỷ trọng này ở Đà Nẵng là 4,80% và ở TP HCM là 39,78%.
"Thị trường đồ uống năm 2022 gặp nhiều khó khăn do sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, có những thương hiệu hiện tăng trưởng 30 - 40% so với trước đại dịch. Đây là những thương hiệu đã tạo được danh tiếng nhất định trong thị trường. Họ được biết tới bởi hương vị sản phẩm, nguyên liệu chất lượng có những câu chuyện thương hiệu".
Doanh thu từ cửa hàng cà phê/bar đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong ngành, lên đến 44,30%. Đi uống cà phê trở thành một thói quen trong cuộc sống của người dân Việt Nam, đồng thời còn là cơ hội để mọi người tụ họp với nhau để trò chuyện, tán gẫu, trao đổi.
Trong khi đó, doanh thu từ nhà hàng dịch vụ trọn gói (hình thức phục vụ tại bàn, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ ngồi tại bàn, được nhân viên phục vụ đưa menu tới để gọi món, bưng đồ ăn/ thức uống phục vụ tại bàn trong suốt thời gian tại nhà hàng) và nhà hàng có dịch vụ giới hạn (mô hình nhà hàng phục vụ nhanh, bán mang về, hạn chế phương thức phục vụ, thanh toán tại quầy) xếp sau với 27,80% và 23,06% thị phần.
Bên cạnh đó, doanh thu thị trường ăn ngoài tại Việt Nam năm 2022 cũng đạt sự hồi phục sát với mốc trước khi dịch Covid-19 bùng phát, đạt 333,69 nghìn tỷ đồng. Theo đó, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng gấp 3 lần so với trước khi dịch bệnh bùng phát.
Quy mô thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng ở mức 29,9 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu ngành thương mại điện tử trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống ghi nhận có khoảng 12,23 triệu người đã đặt giao đồ ăn qua các nền tảng trực tuyến và tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng hằng năm là 17,5%, tương đương với 1,8 triệu người.
Cơ cấu doanh thu dịch vụ F&B trên cả nước năm 2022 có sự phân hóa mạnh mẽ. Có đến 95% doanh số đến từ dịch vụ ăn uống đơn lẻ (nhà hàng, quán ăn) nhưng chỉ có 5% thị phần được ghi nhận cho mức doanh thu từ các chuỗi dịch vụ ăn uống.
Như vậy, các nhà hàng, quán ăn uống độc lập vẫn được người dân ưa chuộng hơn cả tại thị trường nội địa, lý do lớn nhất chính là giá cả đồ ăn thức uống tại các chuỗi dịch vụ ăn uống vẫn khá cao so với thu nhập của người Việt Nam, và mới chỉ phổ biến ở các đô thị loại I.
82,8% doanh nghiệp F&B đã bắt chuyển đổi số
Trên tổng số 2.835 đơn vị tham gia khảo sát, có 2.346 đơn vị có tham gia vào chuyển đổi số trong kinh doanh, tương ứng với 82,8% tổng số lượng đơn vị kinh doanh F&B tham gia cuộc khảo sát. Ở chiều ngược lại, vẫn có 17.2% số đơn vị được hỏi lựa chọn chưa tham gia vào chuyển đổi số với 489 đơn vị.
GrabFood và ShopeeFood đang là 2 ứng dụng bán hàng trực tuyến được ưa chuộng nhất với lần lượt 29% và 27,8% tương đương 823 và 788 đơn vị kinh doanh F&B lựa chọn.
Trong đó, hotline đang là hình thức được chọn nhiều thứ 3 trong danh sách các kênh bán hàng trực tuyến của các đơn vị kinh doanh F&B với 25.4%; Website đứng ở vị trí thứ 5 với 14.6% đơn vị sử dụng loại hình bán hàng trực tuyến này. Gây chú ý nhất, mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok,...) chỉ mới chiếm 2.9% doanh nghiệp quan tâm và sử dụng.
Nhìn chung, thị trường F&B có mức độ tăng trưởng cao sau tết Nguyên Đán, với lần lượt quý II và quý III đạt 120% và 128% so với quý I/2022. Tuy nhiên, quý IV chỉ tăng trưởng chỉ 117%, thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước.
Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm cuối năm là do tình hình lạm phát, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng tăng, cắt giảm “room tín dụng”, cũng là nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư tạm dừng kế hoạch và chờ đợi thời cơ.