Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Lãnh đạo tỉnh Phú Yên trò chuyện với học sinh chuẩn bị tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19 tại trường THPT Lương Văn Chánh - tỉnh Phú Yên. Ảnh: Bộ Y tế |
Tỷ lệ tiêm tại nhiều tỉnh thành vẫn còn thấp
Lễ phát động Chiến dịch này có sự tham dự của Bí thư tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương.
Chiến dịch nhằm lan tỏa thông điệp tới các đối tượng người dân trên mọi miền tổ quốc, từ thành thị, nông thôn, khu công nghiệp tới các vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo. Để người dân hưởng ứng chiến dịch, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao và trẻ em.
Đồng thời cung cấp các thông tin minh bạch, kịp thời, chính xác đến các cơ quan báo chí về tình hình dịch bệnh Covid-19 và tiêm chủng vaccine phòng Covid 19. Qua đó, chiến dịch truyền thông sâu rộng, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và tiêm chủng phòng Covid-19 để chung tay cùng ngành Y tế và chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Bộ Y tế cho biết sau gần 4 tháng rưỡi triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, cả nước tiêm được gần 15,2 triệu liều vaccine. Hiện chỉ còn 2 ngày nữa để đạt mục tiêu đề ra về tiêm cho trẻ trong độ tuổi này nhưng nhiều địa phương có tỉ lệ tiêm rất chậm, thấp; trong đó 1 tỉnh tiêm mũi 2 mới đạt 19,7%.
Đối với tiêm mũi 1, hiện đã có hơn 9,2 triệu trẻ (chiếm tỷ lệ 82,9%) được tiêm. Trong đó, các tỉnh, thành như Bình Thuận (66,3%), Bình Dương (60,6%) Đà Nẵng (58,6%), Quảng Nam (58,0%), TP HCM (54,8%), là những tỉnh thành tỷ lệ tiêm vẫn còn thấp.
Với mũi tiêm thứ 2, hiện đã có gần 6 triệu trẻ được tiêm (chiếm tỷ lệ 53,4% (trong đó TP HCM (31,5%), Bình Dương (27,2%), Đà Nẵng (21,3%), Quảng Nam (19,7%) tiếp tục là những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm thấp. Ngoài ra, Đắk Lắk với tỷ lệ 35,5% cũng là địa phương có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm mũi 3 và mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn tại nhiều địa phương vẫn chậm, dù Bộ Y tế đã liên tục đôn đốc, hướng dẫn.
Lễ phát động Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 "vui Trung thu và tựu trường an toàn" tại Phú Yên. Ảnh: Bộ Y tế |
Giám sát sự xuất hiện các biến thể mới của Covid-19
Bộ Y tế cho biết ngày 28/8 Việt Nam ghi nhận 1.705 ca mắc mới; giảm gần 500 ca so với ngày 27/8. Trong ngày có gần 10.000 bệnh nhân khỏi, 1 trường hợp tại Hà Nội tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận hơn 11,4 triệu ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ bình quân 114.929 ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ đầu mùa dịch tới, nay, Việt Nam cũng ghi nhận hơn 10,15 triệu ca mắc Covid-19 đã khỏi. Trong số các trường hợp đang theo dõi, giám sát có 99 trường hợp phát thở oxy, trong đó, 85 ca thở oxy qua mặt nạ, 6 ca thở oxy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn, 7 ca thở máy xâm lấn.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74; trong 7 ngày qua cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.500 ca mắc mới mỗi ngày (có ngày ghi nhận trên 3.000 ca), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch để có phương án đáp ứng hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là đối với các biến thể mới của Covid-19.
Các Sở Y tế cần theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn, giám sát sự lưu hành của virus, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thường xuyên đánh giá cấp độ dịch để kịp thời điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch; tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.
Biểu đồ số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam trong tháng 8/2022. Ảnh: Bộ Y tế |
Số ca mắc trên thế giới có sự giảm dần trong 1 tuần trở lại đây
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, với khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Tính từ đầu dịch tới nay, tổng số ca mắc trên thế giới hơn 605,6 triệu ca mắc và trên 6,4 triệu ca tử vong. Trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận gần 4,8 triệu ca mắc mới (giảm 10% so với tuần trước đó). Số ca tử vong vì Covid-19 trong tuần là 13.463 (giảm 17% so với 1 tuần trước).
Tuần qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất với hơn 1,5 triệu ca, tiếp đó là Hàn Quốc (769.136 ca), Mỹ (510.283 ca). Mỹ là nước có số ca tử vong nhiều nhất thế giới với 2.273 ca, dù con số này đã giảm 26% so với tuần trước đó.