Thông tin tại CTTĐT tỉnh Cà Mau ngày 14/3, dự kiến tổng vốn đầu tư và nguồn vốn thực hiện của Đề án là 4.977,2 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025 là 2.612 tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2030 là 2.365,2 tỷ đồng, được lấy từ nguồn vốn Nhà nước, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đề án ra đời với mục tiêu nhằm khảo sát, đánh giá thực trạng và dự báo tác động tiêu cực do nước biển dâng đến hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đề xuất các chương trình, dự án nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông ở những vùng thường bị đe dọa bởi thiên tai và dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ngoài ra, Đề án còn nhằm đề xuất các giải pháp thiết kế kỹ thuật công trình giao thông phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển đang trong tương lai, có chi phí đầu tư xây dựng hợp lý.
Phạm vi của Đề án bao gồm hệ thống công trình giao thông đường bộ, đường thủy ở những vùng thường bị đe dọa bởi nước biển dâng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, trọng tâm là các vùng ven biển, thường xuyên chịu tác động của triều cường. Thời gian thực hiện đề án đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quan điểm chỉ đạo, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đồng bộ, gắn với phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch và dịch vụ, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, nâng cấp, cải tạo, xây dựng các công trình giao thông đường bộ, đường thủy ở những vùng thường bị đe dọa bởi nước biển dâng theo quan điểm đón đầu, “phòng ngừa” trước một bước; ưu tiên các công trình trọng điểm, công trình có tính chất kết nối quan trọng.
Ưu tiên nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông có tính chất ứng phó, bảo vệ người dân trước thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phối hợp với các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi kết hợp đầu tư xây dựng công trình đường bộ trên hệ thống đê kè, âu thuyền, kết hợp với các công trình cống ngăn triều, ngăn mặn, trồng rừng phòng hộ ngăn ngừa sạt lở ven biển.