Các doanh nghiệp kiến nghị gì tại hội nghị công nghiệp văn hóa?

văn hóa Việt nAM
19:56 - 22/12/2023
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc công ty BHD phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc công ty BHD phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như du lịch, kinh tế, điện ảnh kiến nghị Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cụ thể về vay vốn, thuế, cơ chế, chính sách để tiếp tục mở rộng hoạt động, phát triển.

Kiến nghị cho doanh nghiệp văn hóa được vay ưu đãi như cho vay nông nghiệp

Nêu ý kiến tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sáng 22/12, từ góc nhìn của một doanh nghiệp điện ảnh, Tổng giám đốc công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD Ngô Mỹ Hạnh nhấn mạnh, chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.

Cụ thể, về chính sách vay vốn, theo bà Hạnh các sản phẩm văn hóa, phim là tài sản trí tuệ nhưng tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được. Do đó, bà Hạnh mong muốn Nhà nước có các chính sách khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp, để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất.

Còn về các thủ tục hành chính thì khá rườm rà và nhiều giấy phép, để quay một cảnh phim, đoàn làm phim phải xin nhiều giấy phép và mỗi địa điểm lại yêu cầu một loại giấy phép khác, điều này gây khó khăn cho đoàn làm phim.

Về thuế suất, đơn vị này kiến nghị được giảm hoặc miễn tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho các doanh nghiệp làm văn hóa. Nêu lý do cho đề xuất này, bà Hạnh cho hay nếu BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn, một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cafe vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận nên nếu giá thuê cao sẽ khó cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ cùng khu vực nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp làm văn hóa là rất quan trọng.

Cần có cơ chế, chính sách cụ thể thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cất cánh, bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group đề xuất 3 giải pháp trọng tâm gồm:

Thứ nhất, xác định nhiệm vụ Quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ tiên quyết, định hướng chiến lược tổng thể cho ngành du lịch Việt Nam và cần có cơ chế xã hội hóa huy động nguồn vốn thực hiện, kêu gọi các ý tưởng quy hoạch không gian văn hóa, phát triển các sản phẩm, quy hoạch ngành nghề phát huy giá trị văn hóa, du lịch đồng thời phát triển các ngành nghề phụ trợ để có hệ sinh thái hoàn chỉnh.

Thứ hai, cần có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, ví dụ như cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, cơ chế khuyến khích đối với các nhà đầu tư tham gia đầu tư lĩnh vực du lịch, văn hóa và hạ tầng kết nối bởi các dự án về du lịch, văn hóa là những dự án đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.

Thứ ba, về vấn đề nguồn nhân lực, để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đẳng cấp – chất lượng – khác biệt đòi hỏi nguồn nhân lực tại chỗ chất lượng cao, am hiểu văn hoá dân tộc cũng như, cần đáp ứng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Thực tế, những nơi có tiềm năng phát triển văn hoá du lịch lại là những vùng sâu vùng xa, trình độ phát triển còn thấp, do đó Sungroup đề xuất Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chính quyền địa phương để xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn Sun Group. Ảnh: VGP.

Ngoài 3 đề xuất trên, tập đoàn Sungroup cũng nêu kiến nghị về dự án nhà hát tại bán đảo Quảng An, hồ Tây. Theo tập đoàn này, dù các cấp chính quyền đã hết sức nỗ lực nhưng cho tới nay, dự án này vẫn đang nằm trên bản vẽ. Do đó, tập đoàn đề xuất có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để triển khai công trình văn hóa này.

Kiến nghị gia tăng buổi diễn cho các show diễn thực cảnh

Theo đạo diễn Hoàng Nhật Nam, công ty Sen Vàng, đạo diễn show Tinh hoa Bắc Bộ ở Chùa Thầy (Hà Nội) khẳng định công nghiệp văn hóa dựa trên nghệ thuật biểu diễn và văn hóa du lịch là thế mạnh đầy tiềm năng.

Theo đạo diễn, show Tinh hoa Bắc Bộ ở Chùa Thầy (Hà Nội) ra đời từ năm 2017, với 60 phút của chương trình tất cả khán giả, du khách quốc tế đều rất ấn tượng và tiếp cận được với văn hóa Việt Nam chỉ trong thời lượng rất ngắn. Tuy nhiên trải qua thời kỳ khủng hoảng của đại dịch Covid, các buổi diễn thực cảnh đã gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay show diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" chỉ diễn ra một ngày thứ 7, do đó, đạo diễn mong muốn được diễn nhiều hơn để buổi diễn có sức sống, lan tỏa được nhiều hơn tới du khách.

Ông Nam cũng đưa ra những kiến nghị về việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp quốc tế tại Việt Nam nhằm quảng bá hình ảnh du lịch nước nhà, mỗi thí sinh của một quốc gia đóng vai trò là những đại sứ du lịch.

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh các cuộc thi hoa hậu hiện nay đang bão hòa do vậy cần có có sự kiểm soát nghiêm ngặt trong công tác cấp phép để không xảy ra kiện tụng về xâm phạm bản quyền.

Trong lĩnh vực nội dung số và truyền thông đa phương tiện, bà Tô Nam Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Play đề xuất cần tập trung phát triển các nền tảng đa phương tiện "Make in Vietnam".

Các nền tảng đa phương tiện Việt Nam cần được khuyến khích tái đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ nền tảng, công nghệ truyền tải nội dung bên cạnh việc đầu tư phát triển nội dung để cạnh tranh với các ứng dụng đa phương tiện xuyên quốc gia như Netflix, AppleTV+, Spotify…

FPT mong muốn và đề xuất được trở thành một trong những nền tảng số quốc gia, hỗ trợ cho việc phát triển các nội dung đa phương tiện và tạo thế cân bằng cho việc cạnh tranh với nước ngoài.

Bà Tô Nam Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Play. Ảnh: VGP.

Bà Tô Nam Phương, Phó Tổng Giám đốc FPT Play. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, bà Phương cũng đề xuất Chính phủ cũng như các doanh nghiệp ủng hộ và khuyến khích phong trào và các sự kiện thể thao điện tử quy mô lớn bởi thể thao điện tử trong các năm gần đây đang thu hút sự tham gia của đông đảo giới trẻ, tạo ra các cơ hội quảng cáo, thúc đẩy tiêu dùng đa dạng.

Các cộng đồng thể thao điện tử được tổ chức hiệu quả sẽ tạo ra các sân chơi văn hoá và giải trí lành mạnh cho thanh thiếu niên, đồng thời sẽ tạo các hạt giống cho các đội tuyển phục vụ các sự kiện, giải thưởng tầm cỡ thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp