CEO đặt tham vọng phát triển thêm 1.000 ha quỹ đất trong những năm tới. |
Trả lời câu hỏi cổ đông về tình hình kinh doanh của công ty tại ĐHĐCĐ thường niên sáng 25/7, bà Vũ Thị Lan Anh - Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, mã CEO) cho biết, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bất động sản đều kinh doanh khó khăn, CEO cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Doanh thu của CEO vẫn đến từ các dự án chính, đó là Sonasea Vân Đồn Harbor City. Theo bà Lan Anh, dự án này có tín hiệu tích cực khi đã kinh doanh được hơn 90% sản phẩm tung ra thị trường, dự kiến ghi nhận lợi nhuận trong năm 2023 – 2024. Biên lợi nhuận của các dự án bất động sản rơi vào khoảng 10 – 30%.
"Công ty có lợi nhuận trong quý 2/2023 nhưng không nhiều, đã nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo khi dự báo về tình hình khó khăn. Đối với các doanh nghiệp bất động sản thì thường lợi nhuận sẽ tập trung vào quý cuối năm", bà Lan Anh cho biết.
Liên quan đến vấn đề phát hành hơn 252 triệu cổ phiếu, bà Lan Anh cho biết, việc tăng vốn nhằm rót vốn cho các công ty vận hành dự án trọng điểm của tập đoàn, gồm công ty phát triển dự án Sonasea Vân Đồn 1.000 tỷ đồng, CEO Nha Trang 200 tỷ đồng, CEO Quốc Tế 200 tỷ đồng, Phú Quốc 800 tỷ đồng; còn 200 tỷ đồng là tăng vốn lưu động...
Bà Lan Anh khẳng định, các nội dung về mục đích sử dụng vốn đã được UBCKNN, các cơ quan chức năng đánh giá chi tiết, gồm hồ sơ pháp lý dự án. "Đầu tư thì không thể lập tức đòi hỏi ngay mà phải có quá trình phát triển, hi vọng thời gian tới sẽ mang lại kết quả, mang lại lợi ích tối đa cho cổ đông", Phó tổng giám đốc CEO nói.
Không chạy đua theo lợi nhuận
Chia sẻ về kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng của cổ đông, ông Đoàn Văn Bình – Chủ tịch HĐQT cho biết, từ năm 2022, công ty đã đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 4.000 tỷ đồng, năm 2024 là 5.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, diễn biến thị trường không thuận lợi.
"Thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản có thể bảo toàn vốn thôi đã là một nỗ lực rất lớn. Tôi cũng kỳ vọng lợi nhuận cao để chia cổ tức cho các cổ đông nhưng trong bối cảnh hiện nay, tồn tại được là mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp", ông Bình cho biết.
Có cổ đông hỏi tại sao lợi nhuận của CEO Group thấp, thú thật chúng tôi đã cố gắng rất nhiều. Với những doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng 50 – 100% thì thật sự tôi cũng không hiểu tại sao họ có thể lãi được nhiều như thế. Chúng ta hướng đến phát triển bền vững, không chạy đua theo lợi nhuận. Đây là một thông điệp rất quan trọng mà chúng tôi mong các cổ đông có chung tầm nhìn.
Doanh nghiệp bền vững sẽ tiếp tục đồng hành cùng thị trường
Chia sẻ nhận định về thị trường bất động sản, ông Đoàn Văn Bình cho biết, CEO Group đã có kinh nghiệm “vượt khó” khi trải qua 3 lần thị trường bất động sản “đóng băng”. Lần thứ nhất là giai đoạn 2007-2008 nhưng chỉ thoáng qua, bởi thời điểm đó Việt Nam chưa kết nối sâu với thế giới và Chính phủ có gói kích cầu ngay sau đó.
Lần thứ hai là giai đoạn 2011-2013, thị trường thanh lọc rất nhiều doanh nghiệp. “Lần này thách thức còn lớn hơn, nhưng Chính phủ, cộng động doanh nghiệp đã thấy được các khó khăn. Chính phủ đã tích cực tháo gỡ bằng các biện pháp như tạo thanh khoản, giảm lãi suất, hoàn thiện thể chế... Tuy nhiên theo tôi, từ nay đến cuối năm tình hình vẫn rất khó khăn và có thể kéo dài đến năm 2024. Còn về lâu dài, nhu cầu về bất động sản phục vụ nhu cầu thực vẫn rất lớn. Đây chính là cơ sở để thị trường phát triển”, ông Bình nhận định.
Theo ông Bình, mỗi lần khó khăn, thị trường lại thanh lọc bớt một số doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp bền vững tiếp tục đồng hành cùng thị trường. "Lần khó khăn này chưa có tiền lệ, đến cùng lúc, không chỉ vĩ mô mà cả vấn đề pháp lý. Vấn đề pháp lý đang được rà soát nên nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có quỹ đất sạch, hồ sơ pháp lý đầy đủ thì rất thuận lợi", ông Bình nói.
Trước những khó khăn trước mắt, ông Bình cho biết CEO Group có một số điểm tựa để có thể vượt qua. Đó là thâm niên 22 năm hình thành và phát triển, với trải nghiệm 3 lần thị trường rơi vào khủng hoảng hoặc "đóng băng". Bên cạnh đó là khả năng triển khai dự án quy mô lớn, đa dạng sản phẩm ở các địa bàn khác nhau; nguồn nhân lực theo "mô hình khu rừng", có cây cao cây thấp, có chức năng riêng; có quỹ đất sạch để triển khai các dự án trọng điểm...
Phát triển thêm khoảng 1.000 ha quỹ đất
Theo cập nhật từ ban lãnh đạo, CEO Group hiện có khoảng 15 dự án với quỹ đất hơn 1.000 ha. Đến nay, công ty mới khai thác được khoảng 260 ha, còn khoảng 800 ha nữa.
Riêng tại Phú Quốc, CEO có khoảng 4 - 5 dự án với tổng diện tích hơn 400 ha, đến thời điểm này đang khai thác khoảng 132 ha. Trong đó, dự án Sonasea Residences quy mô hơn 60 ha đã cơ bản hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và có quỹ đất sạch, phấn đấu đến quý 4/2023 có thể khởi công. Tổng mức đầu tư dự án này khoảng 3.000 tỷ đồng.
Còn dự án Sonasea Vân Đồn khoảng 300 ha, giai đoạn 1 được giao khoảng gần 100 ha, đã thực hiện đầy đủ pháp lý nhưng mới khai thác một phần; tiếp tục sẽ là dự án trọng điểm của công ty cho trong thời gian tới.
“Thời gian qua có thông tin tỉnh Quảng Ninh thu hồi phân kỳ 2,3 của dự án nhưng thực chất là không phải. Đây là do tỉnh quy hoạch lại, một số chi tiết dự án cần điều chỉnh cho phù hợp. CEO tăng vốn chính là phục vụ cho giai đoạn 2 của dự án này”, ông Bình nói, đồng thời chia sẻ thêm việc chấm dứt thí điểm Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn không có ảnh hưởng gì đến dự án của CEO.
CEO có kế hoạch phát triển thêm khoảng 1.000 ha quỹ đất và trong thời gian qua đã làm việc với các địa phương như TP HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng… để đề xuất đầu tư một số dự án.
"Đến nay, số lượng dự án chúng ta làm việc với các tỉnh có quy mô khoảng 1.200 – 1.300 ha và đã có một số bước tiến nhất định. Đơn cử, tại Khánh Hòa, CEO Group đang nghiên cứu một khu đô thị hơn 100 ha. Tại Quảng Bình, CEO Group đã ký biên bản ghi nhớ để xúc tiến tham gia lựa chọn nhà đầu tư dự án khu đô thị khoảng 260 ha… Từ nay đến cuối năm, hy vọng chúng ta sẽ hiện thực hóa được một số dự án bằng văn bản", Chủ tịch Đoàn Văn Bình cho biết.