Khách du lịch tại Hội An. Ảnh: Thảo Ngân |
Chia sẻ với Mekong ASEAN về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vừa được các thành viên Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội, ông Phạm Hà - Chủ tịch doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang Lux Group nhận định, đây đều là những chính sách mà các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn "ngày đêm mong mỏi".
Ông Phạm Hà cho rằng: "Vấn đề visa luôn là khâu vướng mắc trong việc thu hút khách quốc tế, do vậy những chính sách như kéo dài thời gian của thị thực điện tử lên 90 ngày hay nâng thời gian lưu trú với khách quốc tế lên 45 ngày đã là rất tốt và phù hợp với tình hình hiện tại, khi chúng ta đang tập trung phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".
Tuy nhiên, lãnh đạo Lux Group cũng góp ý rằng, dù chính sách thị thực điện tử (E-visa) đã có thay đổi tích cực, tuy nhiên khách quốc tế vẫn khá khó tiếp cận với E-visa của Việt Nam do tên miền quá dài và không có tính quốc tế. Điều này khiến việc tìm kiếm trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, theo ông Hà, thời gian xét duyệt E-visa chỉ nên gói gọn trong 24 tiếng thay vì phải chờ tới 3 ngày.
Ông Hà cũng đề xuất Chính phủ nên xem xét đến việc ban hành các chính sách về Golden Visa (Visa vàng) cho khách du lịch để họ ở lại Việt Nam trong thời gian dài. "Khách du lịch ở lại càng lâu thì chi tiêu càng nhiều, đây là tín hiệu tốt của ngành du lịch", ông Hà nhận định.
Bàn thêm về chính sách, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), rất hoan nghênh Chính phủ đã thống nhất với các đề xuất mới. Tuy nhiên, ông Chính cũng cho rằng kết quả cuối cùng vẫn phải trông chờ vào Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 của Quốc hội.
Từ ngày 14/3, Bộ Công an đã đăng tải lên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến rộng rãi về dự án sửa đổi bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (dự án) đến 17/4, trong đó có những đề xuất trên. Vì vậy, ông Hoàng Nhân Chính đề nghị các doanh nghiệp du lịch, lữ hành cần theo dõi và nêu lên ý kiến của mình.
Bên cạnh đó, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cũng góp ý: "Tổng Cục du lịch nên có thông báo tới các doanh nghiệp trong ngành du lịch về thông tin này để các doanh nghiệp có thể tham gia góp ý chính sách".
Những chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023 diễn ra vào ngày 27/3, các thành viên Chính phủ nhất trí đề xuất Quốc hội cho phép nâng thời hạn thị thực điện tử (E-visa) từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.
Bên cạnh đó, sẽ cấp thị thực điện tử cho công dân của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ. Nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày.
Các thành viên Chính phủ cũng thống nhất tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; tạo điều kiện cho công dân Việt Nam trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…
Bộ Công an cho biết, các chính sách được đề xuất sẽ đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện được ngay trong khi chờ tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.