Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua |
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 12-13/12.
Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình thăm chính thức Việt Nam trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc. Hai lần trước đó là chuyến thăm vào năm 2015 và 2017.
Theo lịch trình dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao sẽ tham dự Lễ đón cấp Nhà nước tại Phủ Chủ tịch vào chiều 12/12 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì. Sau đó hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc hội đàm tại trụ sở Trung ương Đảng, xem và nghe giới thiệu các văn kiện được ký kết, sau đó cùng dự tiệc trà. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì chiêu đãi cấp Nhà nước Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối cùng ngày.
Ngày 13/12, ông Tập Cận Bình sẽ đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân cùng ngày.
Trước khi rời Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân giao lưu nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.
Kỳ vọng về một "định vị mới" trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ mang đến một "định vị mới", "tầm mức mới" của quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc. "Trong một bối cảnh như vậy và với tầm quan trọng của chuyến thăm, chắc chắn đây sẽ là một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc", ông nói.
Thứ trưởng nhấn mạnh rằng kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (năm 2008) đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022).
Thứ trưởng cho biết, trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ nâng tầm Quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Ông nói rằng, chuyến thăm Việt Nam lần này thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Đại sứ cho biết Việt Nam hết sức coi trọng chuyến thăm, sẽ dành cho ông Tập Cận Bình sự tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em.
Kể từ khi hai bên thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đến nay, quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu. Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới.
Kim ngạch thương mại song phương tăng 9 lần từ mức 20 tỷ USD năm 2008 lên gần 180 tỷ USD năm 2022. Qua 15 năm, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. Riêng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương diễn ra sôi động, với gần 60 tỉnh/thành của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.