Mekophar là công ty duy nhất trên sàn chứng khoán sản xuất thuốc điều trị Covid-19. |
Ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa hoạt chất molnupiravir điều trị Covid-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Trong đó có thuốc Movinavir hàm lượng 200 mg do Mekophar sản xuất.
Ngay lập tức trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MKP đã bật tăng sau chuỗi ngày lao dốc không phanh từ vùng đỉnh 79.000 đồng xuống 42.000 đồng. Từ 17/2 đến nay, chỉ trong vòng 5 phiên, mã đã tăng tới 78%.
Một mã chứng khoán công ty khác cũng hưởng lợi trực tiếp từ thông tin này là FRT của CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Đây là công ty sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu - đơn vị đầu tiên ký hợp đồng phân phối thuốc điều trị Covid-19 vừa được cấp phép khẩn cấp kể trên. Từ 17/2 đến nay, mã đã tăng gần 22%, từ 95.000 đồng lên 117.000 đồng.
Trong tình hình số ca mắc Covid-19 đang đồng loạt tăng nhanh ở các tỉnh thành thì thuốc điều trị và các dược phẩm liên quan đều trở nên “hot”. Không chỉ MKP, FRT, hàng loạt cổ phiếu các công ty ngành dược phẩm/y tế cũng đua nhau tăng từ 10-20% chỉ sau vài phiên như TTD, CDP, VMD, DHG, DDN, JVC, DVN…
MKP cũng có một đợt tăng mạnh vào những phiên cuối năm 2021, đầu 2022. |
Sản xuất thuốc trị Covid-19 được cho là phao cứu sinh của Mekophar khi lợi nhuận liên tục suy giảm từ 2017 đến nay. Doanh nghiệp này tiền thân là xí nghiệp dược phẩm trung ương 24 - đơn vị thành viên của Tổng công ty dược Việt Nam. Hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm, dược liệu, hóa chất… Mekophar được cổ phần hóa từ năm 2001 và niêm yết trên HoSE vào 2010.
Năm 2012, MKP hủy niêm yết do đơn vị muốn mở rộng sang lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dược phẩm nhưng đang có khoảng 4,7% vốn thuộc sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Vì thời điểm đó, doanh nghiệp có vốn nước ngoài không được quyền phân phối dược phẩm nên MKP quyết định rời sàn để thực hiện tái cơ cấu cổ đông.
Trong vòng 10 năm từ 2011 - 2021, tình hình kinh doanh của MKP không có nhiều đột phá. Mức đỉnh về lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được là 162 tỷ đồng (năm 2014). Năm 2017, MKP có tăng trưởng mạnh về doanh thu nhưng lợi nhuận cũng chỉ ở mức 115 tỷ. Từ 2019 đến nay, lợi nhuận Mekophar giảm sâu, thậm chí 2021 chỉ còn 16 tỷ đồng.
Theo Mekophar, khó khăn của doanh nghiệp là phải đối mặt là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành dược. Thêm vào đó, nguyên liệu sản xuất có 90% là nhập khẩu, việc Trung Quốc đóng cửa nhiều nhà máy khiến giá nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Giá thầu thuốc quá thấp nên công ty không thể trúng thầu thuốc vào các bệnh viện; xuất khẩu thuốc cũng bị cạnh tranh với thuốc rẻ sản xuất từ Ấn Độ và Trung Quốc.