Reuters ngày 20/9 đưa tin, Neuralink đã nhận được sự chấp thuận từ một hội đồng đánh giá độc lập, gồm các chuyên gia và bác sĩ đầu ngành về thần kinh tại Mỹ để bắt đầu tuyển dụng cho cuộc thử nghiệm đầu tiên trên người về phương pháp cấy ghép não cho bệnh nhân bị liệt.
Cuộc thử nghiệm cấy chip não đầu tiên của Neuralink dự kiến kéo dài 6 năm, có tên gọi "Nghiên cứu PRIME" nhằm kiểm tra công nghệ hỗ trợ người khuyết tật.
Những người bị liệt do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên, trên 22 tuổi và có người chăm sóc thường xuyên có thể đủ điều kiện tham gia nghiên cứu.
Nghiên cứu PRIME sẽ cùng lúc thử nghiệm ba thành phần. Đầu tiên là bộ cấy N1, thiết bị chip não của Neuralink. Thứ hai là robot R1, robot phẫu thuật cấy ghép thiết bị. Thứ ba là N1 User App, phần mềm kết nối với N1 và chuyển tín hiệu não thành hành động của máy tính.
Theo mô tả của Neuralink, nghiên cứu sẽ sử dụng robot để phẫu thuật đặt bộ chip vào vùng não kiểm soát ý định di chuyển. Bệnh nhân cấy ghép thiết bị của Neuralink sẽ học cách điều khiển nó qua ứng dụng Neuralink. Sau đó, có thể điều khiển chuột, bàn phím qua kết nối Bluetooth.
Neuralink cho biết sẽ kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của cả 3 bộ phận của hệ thống. Theo tỷ phú Elon Musk, thiết bị chip do Neuralink nghiên cứu có thể được ứng dụng để điều trị một loạt bệnh và hội chứng như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt.
Những người tham gia nghiên cứu PRIME trước tiên sẽ dự chương trình kéo dài 18 tháng, bao gồm 9 buổi gặp gỡ. Sau đó, họ sẽ dành ít nhất 2h mỗi tuần cho các buổi nghiên cứu giao diện não - máy tính và thực hiện thêm 20 buổi gặp các nhà nghiên cứu trong vòng 5 năm.
Động thái trên diễn ra vài tháng sau khi Neuralink được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận triển khai nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trên người.
Hiện tại, Neuralink chưa công bố thông tin chi tiết về thời điểm, địa điểm tiến hành thử nghiệm cũng như số lượng người được phép tham gia thử nghiệm.