COVAX đặt mục tiêu phải cung cấp hơn một triệu liều mỗi giờ cho đến cuối năm ở những nơi khó khăn nhất thế giới. Ảnh: AP |
COVAX, sáng kiến toàn cầu nhằm chia sẻ vaccine Covid-19 một cách công bằng, đã phải cắt giảm mức cam kết của cơ chế này đối với người nghèo trên thế giới. Giờ đây, để đáp ứng ngay cả lời hứa hạn chế đó, COVAX sẽ phải cung cấp hơn một triệu liều mỗi giờ cho đến cuối năm ở những nơi khó khăn nhất thế giới.
Nhưng mục tiêu đó dường như cũng khó có thể thực hiện được. Gavi, liên minh vaccine giúp vận hành COVAX, đã cảnh báo trong các tài liệu nội bộ rằng một số lượng đáng kể liều vaccine có thể chỉ xuất hiện vào cuối năm 2022 hoặc thậm chí năm 2023.
Ngay cả khi sáng kiến này được Liên Hợp Quốc ủng hộ và đảm bảo duy trì các liều vaccine và vượt qua các rào cản về nguồn cung, các nước nghèo vẫn sẽ phải đối mặt với thiếu hụt vaccine.
Khó khăn chồng chất của COVAX
COVAX đưa ra cam kết mới nhất là dành cho 1,4 tỷ liều cho các nước nghèo. Nhưng theo các tài liệu, các nước thu nhập trung bình và thấp cần 4,65 tỷ liều để tiêm chủng cho 70% dân số của họ. Và nhu cầu đó chỉ dự kiến sẽ tăng lên khi nhiều quốc gia theo đuổi mũi tăng cường và vaccine đã được điều chỉnh để có thể đối phó với các biến chủng mới.
Tại thời điểm này, hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi, nhưng chỉ 6% dân số ở các nước nghèo nhất được tiêm. Trong khi đó, các nước giàu hơn đang đẩy mạnh việc mua liều thứ ba và thứ tư cho công dân của họ.
Hơn một nửa dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi, nhưng chỉ 6% dân số ở các nước nghèo nhất được tiêm. Ảnh: AP |
Cơ chế COVAX, được thành lập ngay sau khi Covid-19 trở thành đại dịch, nhằm đảm bảo rằng các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẽ nhanh chóng nhận được liều vaccine. COVAX đang giúp các nhóm nước này không cần phải cố gắng tham gia vào các thị trường cạnh tranh với các quốc gia có thể trả giá cao hơn hoặc nguồn quyên góp không đáng tin cậy.
Phủ vaccine đến mọi nơi trên thế giới là đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia nói rằng: "Cho đến khi sự bảo vệ của vaccine được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, tất cả mọi người vẫn có nguy cơ mắc bệnh". Trong khi COVAX thiếu tiền mặt và vaccine vào thời điểm quan trọng nhất, thì Mỹ, các quốc gia ở châu Âu và các quốc gia giàu có khác vẫn tiếp tục ký hợp đồng mua vaccine.
Nỗ lực của COVAX bị giáng một đòn đầu tiên vào tháng 3, khi Viện Huyết thanh của Ấn Độ, được cho là nhà cung cấp chính của họ, cắt xuất khẩu để thúc đẩy nguồn cung cấp vaccine trong nước trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng mạnh. Những hoạt động xuất khẩu vaccine từ Ấn Độ hiện mới rục rịch trở lại.
Vào tháng 9, COVAX phải từ bỏ mục tiêu ban đầu là cung cấp cho nước nghèo 2 tỷ liều vào cuối năm 2021, giảm xuống còn 1,4 tỷ. Chính vì vậy, các nước nghèo càng ngày càng tụt hậu trong y tế và bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19.
Gavi và WHO đã nhấn mạnh từng cam kết quyên góp bằng những tiêu đề đậm nét trong các bản tin tức, trong khi lặng lẽ che giấu số lượng vaccine được phân phối trên thực tế nhỏ hơn nhiều.
“Chúng tôi đã lên tiếng chỉ trích các quốc gia có thu nhập cao tích trữ vaccine và các nhà sản xuất đã không ưu tiên COVAX. Điều này thể hiện sự thất bại của chủ nghĩa đa phương, không phải của COVAX”, Aurelia Nguyen, giám đốc điều hành của COVAX nói.
Nhưng Gavi và WHO đều tránh chỉ trích đích danh các quốc gia tài trợ lớn nhất của họ, ngay cả khi những nước này bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em hoặc cung cấp liều vaccine tăng cường cho người lớn khỏe mạnh.
Bất chấp những thất bại, trong các cuộc họp riêng với các đối tác, Gavi luôn khẳng định rằng nguồn cung vaccine tăng vào cuối năm nay sẽ cứu vãn mục tiêu của họ.
Niềm hy vọng là các quốc gia giàu có sẽ kết thúc các chiến dịch tiêm chủng của họ vào cuối năm 2021 và gửi thêm nhiều liều vaccine hơn đến phần còn lại của thế giới.
Mục tiêu mũi tiêm tăng cường hay quyên góp vì nhân loại
Điều này đã không xảy ra như mong muốn. Bởi vì việc thúc đẩy các mũi tiêm tăng cường ở nhiều quốc gia giàu có là trở ngại đầu tiên, mặc dù không thể chắc chắn là họ có thể giữ lời hứa hay không.
Giờ đây, các nhà sản xuất đang tìm cách tạo ra vaccine thế hệ thứ hai để giải quyết các biến chủng Covid-19. Không chỉ vậy, những ưu tiên dành cho một số vaccine nhất định – với sự an toàn và hiệu quả tốt hơn hoặc yêu cầu vận chuyển dễ dàng hơn - đã làm suy yếu hy vọng của COVAX trong việc sử dụng nhiều loại vaccine được WHO cho phép, bao gồm cả những loại được sản xuất tại Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Nhân viên Liên Hợp Quốc kiểm tra lô vaccine được tài trợ thông qua COVAX ở sân bay Hamid Karzai, Afghanistan. Ảnh: AP |
Khi COVAX chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang nỗ lực lâu dài hơn, một số quan chức y tế công cộng muốn từ bỏ mô hình này hoàn toàn. Kate Elder, cố vấn chính sách vaccine cao cấp của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới cho biết: “Chưa có bất kỳ sự thừa nhận nào về việc họ đã tính toán sai mọi thứ đến mức nào”.
Bà giải thích rằng, một tỷ lệ đáng kể số liều vaccine của COVAX hiện nay dựa trên sự quyên góp. Đó là bởi vì các quốc gia giàu có bao gồm Anh, Canada, Đức và những nước khác đã ký các thỏa thuận sớm với các hãng dược phẩm về dự trữ nguồn cung vaccine Covid-19. COVAX đang gặp khó khăn khi bị các hãng dược phẩm cắt giảm vaccine và các khoản quyên góp chỉ đang nhỏ giọt.
Hôm 29/11, Sajid Javid, Bộ trưởng Y tế Anh, đã được hỏi về sự khác biệt giữa các quốc gia giàu và nghèo khi đề cập đến vấn đề vaccine và mũi tiêm nhắc lại. Ông cho biết rằng, ông và những người đồng cấp của mình trong nhóm G7 hiểu nhu cầu chia sẻ vaccine với các quốc gia nghèo và “tất cả đều đồng ý về tầm quan trọng của việc này”.
Bốn ngày sau, Vương quốc Anh thông báo họ đã ký hợp đồng vào năm 2023 để cung cấp cho người dân liều tiêm tăng cường thứ tư. “Tôi không biết liệu có cách nào khiến các chính phủ không tích trữ vaccine hay không. Vì vậy, có lẽ chúng ta cần một cách để buộc họ quyên góp một tỷ lệ nhất định”, Kate Elder cho biết.
Nhưng Tiến sĩ Madhukar Pai, thuộc Trường Dân số và Y tế Cộng đồng của Đại học McGill, cho biết nguyên nhân khiến dịch bệnh không thể kiểm soát hoàn toàn chủ yếu thuộc về chính phủ các quốc gia giàu có, họ đang phớt lờ các nguyên tắc cơ bản về sức khỏe cộng đồng.
Một bác sĩ đang sử dụng vaccine Covid-19 của Johnson & Johnson được tặng thông qua chương trình COVAX do Liên hợp quốc hỗ trợ tại một trung tâm tiêm chủng ở Kabul, Afghanistan. Ảnh: AP |
“Có vẻ như họ đã quyết định chiến lược chính của mình để đối phó với đại dịch là hoàn toàn tự bảo vệ người dân trong nước với liều lượng ngày càng nhiều và sẵn sàng đóng cửa biên giới với bất kỳ ai có thể mang mầm bệnh vào”, ông Pai nói.
“Số tiền quyên góp cho tiêm chủng trên toàn thế giới sẽ không thể so sánh với chi phí mà các nước phải đổ vào thiệt hại kinh tế, sự mất mát tính mạng con người do đại dịch. Tôi nhận thấy, cam kết này có đạt được hay không còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây chính là thỏa thuận mang tính lịch sử của thế kỷ này”, ông nhấn mạnh.
Được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11/2021 tại Botswana, đến nay biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo nhận định của giới chuyên môn, tình trạng phân phối vaccine không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo được cho là tạo cơ hội để những biến chủng mới như Omicron xuất hiện.
Trong khi đó, theo WHO, việc các nước giàu trên thế giới tích trữ vaccine, thậm chí số liều vaccine những nước này có gấp vài lần dân số, trong khi liên tục không thực hiện cam kết chia sẻ vaccine với các nước đang phát triển, là cách tiếp cận đem lại "tác dụng ngược" . WHO cảnh báo hành động này có thể đang bắt đầu có tác động nghiêm trọng, cụ thể là việc xuất hiện biến thể Omicron.
Nhà phân tích chính trị, nhà báo người Mỹ Bradley Blankenship nhấn mạnh: “Các chính phủ phải nghiêm túc trước Omicron, kiểm soát việc lây truyền và có những hành động nghiêm túc hơn để tăng cường công bằng trong y tế toàn cầu. Điều này có nghĩa là trước hết cần đẩy mạnh việc quyên góp vaccine cho các nước nghèo, không để lãng phí vaccine và cải thiện hợp tác quốc tế để ngăn chặn lây lan dịch bệnh xuyên biên giới. Tình hình hiện nay rất đúng với câu nói ‘Không ai được an toàn cho tới khi tất cả cùng an toàn' ”.