Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, DHB thu về 1.147 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận gộp của DHB đạt 380 tỷ đồng, giảm 41% so với quý IV/2021.
Chi phí hoạt động tài chính của DHB đạt 218 tỷ đồng, giảm 22%; chi phí bán hàng giảm 18%, đạt 30,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp trong quý IV đạt 85,1 tỷ đồng, giảm 71% so với quý IV/2021 (quý IV/2021 đạt 299 tỷ đồng).
Theo báo cáo tài chính của DHB, kết quả kinh doanh trên diễn ra do quý IV là thời điểm trái vụ, nhu cầu ure giảm, giá ure thế giới và trong nước có xu thế giảm, ngân hàng siết tín dụng nên công tác tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Giá dầu, giá than và các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào khác tăng rất cao. Mặt khác, tỷ giá đồng USD tăng mạnh dẫn đến chi phí tài chính tăng.
Tính chung cả năm 2022, doanh thu thuần của DHB đạt 6.441 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cả năm đạt 1.779 tỷ đồng, gấp 286 lần so với năm 2021 (năm 2021 đạt 6,2 tỷ đồng).
So với kế hoạch năm 2022 đề ra, Đạm Hà Bắc đã vượt 43% kế hoạch doanh thu và gấp 204 lần kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Kết quả lợi nhuận năm 2022 của DHB được coi là cú "lội ngược dòng" sau nhiều năm lỗ lũy kế. Nhìn lại lịch sử kinh doanh hơn 10 năm trở lại đây, trong giai đoạn 2011 - 2014 lợi nhuận của Đạm Hà Bắc giảm từ 611 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 135 tỷ đồng năm 2014.
Bước sang năm 2015 doanh nghiệp bắt đầu ghi nhận lãi âm với -658 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận âm còn kéo dài liên tiếp đến năm 2020 với lần lượt -1.051 tỷ đồng (năm 2016), -611 tỷ đồng (năm 2017), -328 tỷ đồng (năm 2018); -632 tỷ đồng (năm 2019); -1.465 tỷ đồng (năm 2020).
Nguyên nhân của sự suy giảm trên bao gồm 2 nguyên nhân chính: Việc sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào và dự án đầu tư mở rộng nhà máy yếu kém. Từ năm 2009 đến nay, giá than liên tục tăng khiến chi phí đầu vào tăng, thu hẹp biên lợi nhuận.
Hai là dự án đầu tư mở rộng nhà máy yếu kém được DHB triển khai từ năm 2008 nhằm nâng công suất nhà máy lên mức 500.000 tấn ure/năm. Sau nhiều năm chậm tiến độ, đội vốn, đến cuối năm 2015, công trình được đưa vào sử dụng, tổng giá trị giải ngân 10.016 tỷ đồng tính đến tháng 9/2016 (theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng), có hơn 7.400 tỷ đồng là vốn vay. Số nợ này đã khiến chi phí lãi vay “ăn mòn” lợi nhuận.
Đạm Hà Bắc: Sự thăng trầm của 'đứa con đầu lòng' ngành phân đạm
Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc có tín hiệu khả quan. Công suất nhà máy đạt 92% với 473.000 tấn ure thành phẩm được cung cấp cho thị trường. Doanh thu trong năm 2021 của DHB đạt 4.558 tỷ đồng, đây cũng là năm đầu tiên DHB lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm chịu lỗ.
Bước sang năm 2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc tiếp tục có những tín hiệu tốt, giá phân bón tăng, đầu ra sản phẩm thuận lợi. Chính các yếu tố này đã kéo lợi nhuận của DHB tăng lên mức nghìn tỷ và tạo nên lịch sử kinh doanh tích cực nhất kể từ năm 2011 đến nay của doanh nghiệp này.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DHB là 7.581 tỷ đồng, giảm 4% so với con số 7.945 tỷ đồng của đầu năm 2022.
Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 22%, đạt 222 tỷ đồng. Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 63%, đạt 847 tỷ đồng (chủ yếu là nguyên liệu, vật liệu tồn kho với 556 tỷ đồng, thành phẩm tồn kho 264 tỷ đồng). Tài sản cố định hữu hình đạt 4.593 tỷ đồng, giảm 10% so với ngày đầu năm.
Nợ của DHB ở mức 7.834 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022, giảm 21% so với ngày đầu năm (ngày đầu năm 2022 nợ của DHB ở mức 9.976 tỷ đồng). Trong đó, vay và thuê nợ tài chính dài hạn đạt 1.484 tỷ đồng, giảm 53%. Doanh nghiệp không có khoản vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn.
Đạm Hà Bắc có tiền thân từ nhà máy Phân đạm đầu tiên của Việt Nam được khởi công năm 1960, với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh phân bón. Doanh nghiệp hiện là công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (tập đoàn này đang nắm giữ 97,66% vốn điều lệ tại DHB). Năm 2016, Đạm Hà Bắc chuyển thành CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Năm 2017, Đạm Hà Bắc chính thức giao dịch tại sàn UPCoM.