Trụ sở Văn Phú Invest tại 104 Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN |
Đại Phước River có tổng mức đầu tư 6.888 tỷ đồng diện tích 49,79 ha, tọa lạc tại xã Phước An, trong khi Phong Phú Riverside có tổng mức đầu tư 8.488 tỷ đồng, diện tích 75,47 ha, tọa lạc tại xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch. Hai dự án có vị trí gần nhau và tiệm cận với thị trường đông dân nhất cả nước TP HCM.
Đối với dự án Đại phước River, nhà đầu tư duy nhất nộp hồ sơ đăng ký là liên danh CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland, CTCP HB Grand Land, Công ty Thương mại Đầu tư Xây dựng Thành Lợi và CTCP Đầu tư G7 – Invest.
Ở dự án Phong Phú Riverside, cũng chỉ có một liên danh đăng ký thực hiện, bao gồm CTCP Đầu tư Phong Phú, CTCP HB Grand Land, CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc An Phú và Công ty Thương mại Đầu tư Xây dựng Thành Lợi.
CTCP HB Grand Land được thành lập vào năm 2019 với 950 tỷ đồng vốn điều lệ, chia cho 3 cổ đông là Lê Tùng Hoa (71%), Nguyễn Thế Hùng (17%) và Phan Vinh Thủy (12%), trong đó, ông Lê Tùng Hoa là Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận liên danh CTCP HB Grand Land và CTCP Tập đoàn Hoàng Hà là nhà đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư số 2 Nam Quảng Trường, TP Hòa Bình.
Ông Lê Tùng Hoa và ông Nguyễn Thế Hùng là 2 trong 3 cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư Xây dựng Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cùng với ông Nguyễn Cao Sơn - thể nhân sáng lập và từng sở hữu 86% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Năng lượng - Xây dựng - Thương mại Hoàng Sơn.
Ngoại trừ HB Grand Land, các pháp nhân còn lại trong 2 liên danh kể trên đều có mối liên hệ mật thiết với CTCP Đầu tư Văn Phú Invest (HoSE: VPI).
Cụ thể, trong khi CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland và CTCP Đầu tư Phong Phú là công ty liên kết của Văn Phú Invest với tỷ lệ vốn nắm giữ trực tiếp ở mức 30% (tính đến ngày 31/12/2023, Văn Phú Invest cũng là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc An Phú. Ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT VPI cũng có nhiều năm làm Thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư G7 - Invest.
Về Công ty Thương mại Đầu tư Xây dựng Thành Lợi, công ty này được thành lập từ năm 2006, là một doanh nghiệp chuyên xây dựng công trình đường bộ, có trụ sở tại Bắc Ninh. Thành Lợi là một đối tác lớn của Văn Phú Invest khi đang cho Văn Phú vay một khoản dài hạn 550 tỷ đồng.
Tiềm lực của Văn Phú – Invest
Văn Phú Invest được hình thành từ năm 2003 với tiền thân là chi nhánh tại Hà Nội của Công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh. Năm 2008, ông Tô Như Toàn - người gây dựng nên công ty lúc bấy giờ - tách hẳn ra làm Chủ tịch CTCP Đầu tư Văn Phú Invest.
Thời điểm này, Văn Phú Invest đánh dấu bước chân đầu tiên trong thị trường bất động sản khi triển khai Khu đô thị mới Văn Phú tại Hà Đông - một trong những dự án lớn ở thị trường thủ đô cuối những năm 2000.
Diện tích hơn 94 ha, quy mô dân số 20.000 người, siêu dự án Khu đô thị Văn Phú được thiết kế theo mô hình đô thị phức hợp hiện đại, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự thông tầng, các tòa cao tầng và công trình xã hội. Đây là dấu ấn đậm nét đầu tiên của Văn Phú Invest ở thị trường bất động sản, làm nên tên tuổi của doanh nghiệp này.
Tiếp nối thành công với dự án lớn đầu tay, Văn Phú Invest tiếp tục triển khai nhiều dự án tầm cỡ, đồng thời đẩy mạnh mở rộng quỹ đất với nhiều khu đất đẹp. Đáng chú ý là dự án Home City Trung Kính với 1.200 căn hộ cao cấp hay Grandeur Palace Phạm Hùng với 3 tòa tháp cao 45 tầng.
Sau gần chục năm hoạt động, tới năm 2017, Văn Phú – Invest chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Một năm sau đó, công ty chuyển sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã giao dịch VPI.
Trên thị trường chứng khoán, VPI được biết đến là một trong những mã cổ phiếu có sự ổn định cao. Theo đó, sau khi tăng mạnh từ vùng giá 27.000 đồng/CP lên trên ngưỡng 50.000 đồng/CP nửa cuối năm 2021, VPI chủ yếu giao dịch trong khoảng 50.000 – 60.000 đồng/CP trong 2 năm trở lại đây.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VPI đạt 12.533 tỷ đồng, tăng 12,9% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho tăng mạnh từ 1.926 tỷ đồng lên 3.701 tỷ đồng, trong đó dự án Vlasta Thủy Nguyên chiếm gần nửa với 1.727 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty cũng tăng 16,6% lên 8.554 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn đạt 1.356 tỷ đồng và 3.271 tỷ đồng, lần lượt tăng 71% và 3% so với đầu năm 2023.
Trong năm 2023, doanh thu thuần của Văn Phú Invest đạt 1.877 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 463 tỷ đồng, giảm lần lượt 13% và 6% so với cùng kỳ 2022, tương ứng hoàn thành 85% kế hoạch doanh thu và 84% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2023.