Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành dự án. Nguồn: Báo Giao thông. |
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, việc đưa vào sử dụng cầu Bạch Đằng 2 góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, phát triển giao thông vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, mở ra không gian phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ cho hai tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất, thời gian tới hai tỉnh tiếp tục đầu tư thêm các công trình kết nối giao thông để hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy kinh tế hai địa phương phát triển.
Về phía tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, cầu Bạch Đằng 2 đưa vào sử dụng tạo ra sự kết nối giao thông liên vùng thông suốt giữa Đồng Nai - Bình Dương và các tỉnh, thành trong khu vực; mở rộng kết nối đến các đầu mối hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia; trên cơ sở đó tạo thêm tiền đề và động lực quan trọng để hai tỉnh tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai kết nối thành phố Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Nguồn: Báo Giao thông. |
Dự án cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài toàn tuyến dài 945,81m; trong đó, phần cầu dài 401,32m, phần đường dẫn đầu cầu dài 544,49m. Phần đường đầu cầu có vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.
Nguồn vốn thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ, mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí đối với phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công là liên danh CTCP Tập đoàn Cienco 4 và CTCP Xây dựng đầu tư 492.
Dự án được khởi công xây dựng vào cuối năm 2021. Sau gần 3 năm thi công, đến ngày 2/9/2024, cầu Bạch Đằng 2 chính thức được thông xe.
Đồng Nai và Bình Dương là hai địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngăn cách bởi sông Đồng Nai do đó, việc lưu thông kết nối giữa hai tỉnh phải thông qua một số cầu đường bộ như: cầu Đồng Nai (quốc lộ 1), cầu Hóa An (tuyến quốc lộ 1K), cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4 - TP HCM. Tuy nhiên, các cầu cách nhau khá xa đã tạo sự ngăn cách về giao thông giữa hai tỉnh, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại của vùng, nhất là kết nối giữa trung tâm TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương với huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Vì vậy, cầu Bạch Đằng 2 đi vào hoạt động giúp kết nối đôi bờ sông Đồng Nai, tạo hướng đi mới cho các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ; tạo hệ sinh thái công nghiệp quanh khu vực. Đây cũng là mảnh ghép quan trọng trong liên kết vùng, kết nối về sân bay Long Thành, sân bay Biên Hòa và cảng biển của các địa phương. |