Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu trước khi trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ các nội dung đại biểu nêu hai ngày qua.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 4,03%, nằm trong ngưỡng Quốc hội giao cho Chính phủ, kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 16,6%, thu ngân sách Nhà nước tăng 14,8%, tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng 27,5% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền.
Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản quy định chi tiết thi hành, báo cáo Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm đối với các luật liên quan nhiều đến những tắc nghẽn trong huy động nguồn lực.
Chính phủ sẽ kiến tạo, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới thông qua đẩy mạnh liên kết, phát triển vùng, có chính sách ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp... Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, tạo sinh kế cho người dân.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu hướng giải quyết những vấn đề nổi lên hiện nay mà đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai 16 dự án vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 2,5 tỷ USD để phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là phát triển đồng bộ hạ tầng, giúp ĐBSCL chuyển đổi theo ba vùng kinh tế và sinh thái.
Triển khai có hiệu quả Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; bố trí vốn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai các dự án cấp bách.
Hai Bộ trưởng 'chia lửa' giải đáp những vấn đề nóng về môi trường ĐBSCL
Sửa đổi Luật Địa chất và khoáng sản để đơn giản hoá các thủ tục hành chính trong khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng thông thường, trước mắt điều phối và thực hiện hiệu quả cơ chế đặc thù được Quốc hội cho phép.
Nghiên cứu thử nghiệm xử lý môi trường, thử nghiệm nguồn cát biển, tận thu các nguồn cát từ hoạt động nạo vét luồng lạch, nội thuỷ, cửa sông. Về lâu dài với ĐBSCL sẽ nghiên cứu phát triển hệ thống đường cầu cạn, phát huy tiềm năng giao thông thuỷ với giao thông đường bộ.
“Chính phủ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường năng lực nội sinh để giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng biến đổi khí hậu, sớm hoàn thiện các quy định về thị trường carbon...,” Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.