Doanh nghiệp cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam lãi đậm nhờ bán cảng

GMD Việt nAM
16:22 - 01/11/2023
Cảng nước sâu Gemalink. Nguồn: Gemadept.
Cảng nước sâu Gemalink. Nguồn: Gemadept.
0:00 / 0:00
0:00
Sau 9 tháng năm 2023, Gemadept đã vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Đóng góp phần lớn vào lợi nhuận trong kỳ là khoản tiền từ thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ, được ghi nhận trong báo cáo tài chính quý 2 của doanh nghiệp này.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2023 mới công bố, CTCP Gemadept (HoSE: GMD) - doanh nghiệp sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam Gemalink, ghi nhận doanh thu thuần đạt 998 tỷ đồng, tăng nhẹ không đáng kể so với cùng kỳ. Giá vốn giảm nhẹ kéo lợi nhuận gộp tăng 15% lên 465 tỷ đồng, nhờ đó biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ 41% trong cùng kỳ lên 47% trong quý này.

Đáng chú ý, doanh thu tài chính của GMD trong kỳ tăng 4,4 lần lên 33 tỷ đồng. Ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều được tiết giảm so với cùng kỳ. Mặt khác, khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết giảm 52% xuống 52 tỷ đồng.

Kết quả, sau khi khấu trừ thuế và các chi phí, Gemadept ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế đạt 338,5 tỷ đồng, tăng 18% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng 2023, doanh thu thuần của công ty đạt 2.812 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận 2.890,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Gemadept ghi nhận tăng 145% so với cùng kỳ, đạt 2.310 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía công ty, kết quả kinh doanh tích cực đến từ hoạt động khai thác cảng, logistics trong 9 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, công ty còn ghi nhận khoản lợi nhuận đột biến hơn 1.844 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng toàn bộ 84,66% vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý 2/2023.

Năm nay, Gemadept đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.136 tỷ đồng. Với kết quả như trên, công ty đã thực hiện được 72% doanh thu và vượt 154% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của GMD tại thời điểm ngày 30/9/2023 là 13.245 tỷ đồng, tăng 214 tỷ đồng so với đầu năm, chủ yếu là tài sản dài hạn đạt 10.092,5 tỷ đồng.

Trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty ghi nhận 3.056 tỷ đồng. Đây là tổng giá trị các khoản đầu tư vào 9 công ty liên doanh liên kết, trong đó Công ty TNHH CJ Gemadept Logistics Holdings và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (Mã SCS) là 2 đơn vị đem về cho Gemadept lợi nhuận nhiều nhất, lần lượt 234 tỷ và 227 tỷ đồng tại ngày 30/9.

Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Gemadept giảm 1.390 tỷ đồng so với con số hồi đầu năm, xuống còn 3.692 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay tài chính của công ty ở mức gần 1.900 tỷ đồng, phần lớn là nợ vay dài hạn. Vốn góp chủ sở hữu đạt 9.552 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng gấp đôi so với đầu kỳ lên 2.786 tỷ đồng.

Gemadept tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập năm 1990. Đây là một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 1993 và niêm yết trên thị trường chứng khoán rất sớm từ năm 2002. Đến nay, Gemadept đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng.

Trong cơ cấu doanh thu của Gemadept, hoạt động khai thác thường đóng góp khoảng 70-80%, còn lại chủ yếu đến từ mảng logistics. Gemadept hiện đang sở hữu và vận hành nhiều cảng biển quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải và là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.