Doanh nghiệp chip Trung Quốc học cách thích ứng với lệnh cấm từ Mỹ

Bán dẫn Mỹ - Trung
15:57 - 13/10/2022
Các tập đoàn bán dẫn Trung Quốc sẽ buộc phải tìm các giải pháp sáng tạo đối phó với lệnh cấm mới nhất từ Washington. Ảnh: Reuters
Các tập đoàn bán dẫn Trung Quốc sẽ buộc phải tìm các giải pháp sáng tạo đối phó với lệnh cấm mới nhất từ Washington. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi lệnh hạn chế xuất khẩu chip và các thiết bị sản xuất chip của Mỹ sang Trung Quốc chính thức có hiệu lực, các nhà sản xuất đại lục đang gấp rút tìm các giải pháp kỹ thuật sáng tạo để vạch ra lộ trình của riêng mình.

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các quy định xuất khẩu chip mới vào ngày 7/10, trong đó nêu rõ các công ty Mỹ cần phải ngừng cung cấp thiết bị cho các nhà sản xuất chip Trung Quốc trừ khi xin được giấy phép.

Các biện pháp này được đưa ra nhằm ngăn Trung Quốc sản xuất được các chip tương đối tiên tiến và trên hết là làm suy yếu nỗ lực của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chip của riêng mình.

Là một quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn, Trung Quốc tiêu thụ hơn 3/4 chất bán dẫn được bán trên toàn cầu, tương đương với 556 tỷ USD vào năm 2021, nhưng lại chỉ sản xuất khoảng 15% sản lượng thế giới. Chiến lược tự lập tự cường về công nghệ do đó đã trở thành một trọng tâm phát triển của Trung Quốc trong những năm trở lại đây, đặc biệt khi chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng.

Tuy nhiên khi các nỗ lực đẩy mạnh sự độc lập trong sản xuất linh kiện bán dẫn của Trung Quốc vẫn chưa thực sự đạt được thành công như mong muốn, các lệnh cấm của Mỹ khiến tình hình ngày càng khó khăn.

Ngoài SMIC – nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc đã được liệt vào danh sách hạn chế của Washington từ trước - 2 nhà sản xuất chip hàng đầu khác là NAND Yangtze Memory Technologies Co Ltd (YMTC) và nhà sản xuất DRAM Changxin Memory Technologies Inc (CXMT) đang nằm trong diện sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm.

Là những công ty được Nhà nước hậu thuẫn, YMTC và CXMT là niềm hy vọng của Bắc Kinh trong việc thâm nhập thị trường toàn cầu và cạnh tranh với những công ty hàng đầu như Samsung Electronics và Micron Technology. Tuy nhiên sau nhiều năm, cả 2 đều chưa thể sản xuất hàng loạt ở mức tiên tiến nhất dù YMTC và CXMT tuyên bố đã có những thành tựu nhất định.

Trong bối cảnh này, các nhà kinh tế học tại Citi nhận định Trung Quốc sẽ phải tìm cách tiếp cận vấn đề sáng tạo hơn.

Theo các chuyên gia tại Citi Group, các hạn chế mới có khả năng thúc đẩy các nhà sản xuất chip Trung Quốc thử sản xuất chip tiên tiến bằng cách sử dụng các giải pháp kỹ thuật sáng tạo bằng các công nghệ cũ không nằm trong diện bị trừng phạt. Trên thực tế, nhà sản xuất chip hợp đồng SMIC đã từng thử phương pháp này trước đây.

Cụ thể vào cuối năm 2020, Washington đã cấm tập đoàn này mua một công cụ sản xuất chip tiên tiến là máy EUV từ công ty ASML của Hà Lan – một thiết bị quan trọng giúp sản xuất chip sử dụng các nút quy trình 7 nm. Nhằm ứng phó với lệnh cấm này, SMIC đã cố gắng sản xuất chip 7 nm bằng cách sử dụng các máy DUV đơn giản hơn mà công ty vẫn có thể mua tự do.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những nỗ lực như vậy khó có thể tạo ra các sản phẩm khả thi về mặt thương mại để sản xuất hàng loạt. Theo nhận định của nhiều người, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn đi sau các đối tác nước ngoài từ 4 đến 5 năm. Do đó, việc thay thế các thiết bị bị mất từ các nhà cung cấp của Mỹ như KLA Corp, Applied Materials và Lam Research là động thái không mang lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên với lệnh cấm này, không chỉ các tập đoàn Trung Quốc mà các tập đoàn Mỹ cũng phải học cách thích ứng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên với lệnh cấm này, không chỉ các tập đoàn Trung Quốc mà các tập đoàn Mỹ cũng phải học cách thích ứng. Ảnh: Reuters

Với lệnh cấm này của Mỹ, các tập đoàn Trung Quốc không phải là bên duy nhất bị ảnh hưởng. Các nhà sản xuất quốc tế cũng sẽ phải đối mặt với những cú shock nhất định khi thiếu vắng khách hàng Trung Quốc – đối tượng khách hàng với nhu cầu lớn giúp mang lại doanh thu khổng lồ.

Các tập đoàn đầu tiên bị ảnh hưởng sẽ là KLA, Applied Materials và Lam Research của Mỹ do mỗi tập đoàn đều kiếm được khoảng 30% doanh thu từ thị trường Trung Quốc. Là thị trường phát triển nhanh nhất và tiềm năng nhất, các hạn chế xuất khẩu sang nước này sẽ khiến doanh thu quý hiện tại và cả quý sau của Applied Materials sụt giảm 250 tới 550 triệu USD.

Một nhà cung cấp thiết bị chip giấu tên tại Mỹ thậm chí còn đưa ra nhận định nếu các tập đoàn Mỹ tuân theo quy định mới, nhiều công ty thiết bị sẽ phải đóng cửa trong khi nhân viên không có nhiều việc để làm. Người này chia sẻ cho tới khi Đạo luật Chips trợ cấp 52,7 tỷ USD cho ngành sản xuất và nghiên cứu chip của Mỹ được thực thi, ông cảm thấy lo ngại cho doanh thu năm sau của mình.

Ở một diễn biến khác, nhà sản xuất chip của Hàn Quốc là SK Hynix cũng đã phải xin phép chính quyền Mỹ trong việc nhận được nguyên liệu phục vụ cho quá trình sản xuất chip tại Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực này, hoạt động kinh doanh tại các công ty sản xuất công cụ phục vụ khách hàng Trung Quốc vẫn chậm lại đáng kể.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.