Doanh nghiệp hướng tới số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại

số hoá Thương Mại
16:51 - 01/03/2023
Tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA. Ảnh: Hà Anh
Tại Hội nghị Định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số trong thời kỳ VUCA. Ảnh: Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/3, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba tổ chức hội nghị về định hướng chiến lược kinh doanh trên nền tảng số. 

Ngành xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 10,5% và 8,5%, với 371,5 tỷ USD và 360,5 tỷ USD, nhận định của ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba khu vực châu Á - Thái Bình Dương dẫn báo cáo triển vọng về xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023 của Alibaba.

Hàng hoá Việt Nam đang đứng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới. Nhiều đối tác nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để thu mua. Sản phẩm từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu, cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bên cạnh đó, hiện 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao). Điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu và ngày càng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đầu tư vào thương mại điện tử.

Nhấn mạnh điều này, ông Roger Luo cho rằng, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu đã giúp Việt Nam trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới thể hiện qua khả năng phục hồi ở nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là dược phẩm, hậu cần, lâm nghiệp và hàng hoá cá nhân.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau khi về đích với 371,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2022, xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp.

Số hoá hoạt động xúc tiến thương mại qua các sàn thương mại điện tử

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển, song cũng đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có bước chuẩn bị tương ứng. Trong đó, các mô hình kinh doanh mới, đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT) cần được áp dụng nhiều hơn. TS. Nguyễn Đình Cung nhận định, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí để vượt qua khó khăn hiện nay.

Phân tích thêm về điều này, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, những biến động của nền kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp tới môi trường kinh doanh trong nước gồm thị trường vốn, thị trường bất động sản. Điều này ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, hơn 50% doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hoá hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng kênh bán hàng để vượt qua những khó khăn, thách thức, theo báo cáo thị trường "Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023" của Alibaba.

Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tăng cường đầu tư vào ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.

Ông Phú cho rằng, năm 2023 là năm bản lề thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA (Hiệp định thương mại tự do).

Đọc tiếp