Doanh nghiệp thấm đòn lạm phát khi lợi nhuận 'héo mòn' vì giá vốn

LẠM PHÁT DOANH NGHIỆP
11:47 - 13/07/2022
Biên lãi ròng của Thế giới Di động trong 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của lạm phát.
Biên lãi ròng của Thế giới Di động trong 5 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều doanh nghiệp báo doanh thu quý 2 tăng vọt so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại giảm hoặc quá khiêm tốn so với doanh số bán hàng, biên lợi nhuận bị thu hẹp. Nguyên nhân chính là do chi phí nguyên vật liệu đầu vào bị đẩy lên.

Cao su Tân Biên (mã RTB) công bố báo cáo tài chính công ty mẹ quý II với doanh thu thuần tăng 48% lên 213,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 15,3% còn 55,9 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 635 đồng, trong khi cùng kỳ là 751 đồng. Lũy kế 6 tháng, công ty đạt 347,1 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 39,5%; lãi sau thuế 94,4 tỷ đồng, tăng 5,4%.

Theo lý giải doanh nghiệp, lợi nhuận quý II sụt giảm là do tổng chi phí tăng mạnh hơn tổng doanh thu. Tổng chi phí tăng 50,6% lên 212,4 tỷ đồng, bởi tăng sản lượng tiêu thụ kéo theo tăng chi phí giá vốn. Trong khi đó, tổng thu nhập tăng 26,8% lên 281,7 tỷ đồng do tình hình kinh tế phục hồi, sản lượng cao su tiêu thụ tăng 1.874,2 tấn so với cùng kỳ, tuy nhiên giá bán bình quân giảm 1,8 triệu đồng/tấn.

Công ty Cổ phần Vicostone (mã VCS) cũng vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất ước tính Quý II/2022 với biên lợi nhuận giảm từ mức 33,7% hồi quý II/2021 xuống còn 25,5% trong quý này. Cụ thể, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.725 tỷ đồng và 440 tỷ đồng, giảm tương ứng 3,8% và 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, nhờ hoạt động kinh doanh quý I vẫn giữ được tăng trưởng so với cùng kỳ, kết quả nửa đầu năm chỉ giảm nhẹ. Vicostone thu về 3.337 tỷ đồng doanh thu, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 881 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo cao cấp, nguồn doanh thu từ hoạt động xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong kết quả kinh doanh của Vicostone. Vì vậy, thời gian qua, doanh nghiệp phải chịu tác động mạnh từ các yếu tố kinh tế vĩ mô toàn cầu như lạm phát cao tại nhiều quốc gia, xung đột Nga – Ukraine, chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc, khủng hoảng logistics từ cuối năm 2021…

Phía Vicostone cho biết thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở tại các thị trường chính của Vicostone như Bắc Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các yếu tố như lạm phát, lãi suất, chi phí và giá cả vật liệu tăng cao.

Đến nay, chưa nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo kinh doanh quý II, tuy nhiên trong quý I cũng đã rất nhiều công ty ghi nhận lợi nhuận bị giá vốn “ăn mòn”. Như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG), ghi nhận doanh thu 5 tháng đầu năm tăng 14% lên 59.324 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 1% lên 2.202 tỷ đồng. Biên lãi ròng đạt 3,7%, thấp hơn so với con số 4,2% của 5 tháng đầu 2021.

MWG cho biết biên lãi ròng giảm là do ảnh hưởng của lạm phát đã làm tăng chi phí hàng hóa đầu vào và chi phí vận hành. Đơn vị này cũng chủ động triển khai chiến lược giá bán cạnh tranh nhằm thu hút khách hàng. Ngoài ra các chi phí như Bách Hóa Xanh (BHX) thay đổi layout, xử lý cửa hàng hoạt động kém hiệu quả cùng các chuỗi thanh lý hàng bán chậm để đảm bảo tồn kho lành mạnh cũng gây ra tác động trong ngắn hạn.

Hay CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC), lợi nhuận sau thuế quý I giảm tới 98% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng. Trong khi doanh thu trong kỳ tăng 13%, đạt 2.806 tỷ đồng thì giá vốn của Dabaco đội thêm tới 38%, lên mức 2.551 tỷ đồng. Vì vậy, lợi nhuận gộp còn lại chỉ 254 tỷ đồng, giảm 60% so với quý I/2021.

Dabaco cho biết, diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu đầu vào và các hoạt động giao thương, vận tải quốc tế. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng và những khó khăn, cản trở từ dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất và tiêu dùng, chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá các sản phẩm chăn nuôi lại không tăng.

Cũng chịu ảnh hưởng từ giá mua phân bón, vật tư nông nghiệp phi mã, CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã HNG) ghi nhận khoản lỗ 112,6 tỷ đồng trong quý I/2022, trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 6,6 tỷ đồng. Còn mảng nông nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) thì có quý thứ hai liên tiếp lợi nhuận âm khi doanh thu giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế 55,8 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp cho biết đã duy trì mức sản lượng phù hợp, tiết kiệm chi phí nhằm tối ưu giá thành nhưng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao là thách thức lớn.

Nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm do các chi phí đầu vào tăng mạnh. Điển hình như tại Tập đoàn Hoa Sen (HSG), dù doanh thu tăng 17% trong quý 2 niên độ tài chính 2021-2022, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 23%, chỉ đạt 234 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do giá vốn trong kỳ tăng mạnh tới 25% khiến cho lợi nhuận gộp giảm tương ứng 24%.

Trong quý I, Tổng công ty Thép Việt Nam lãi ròng giảm 51%, chỉ đạt 195 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn thép Tiến Lên giảm 28%, đạt 86 tỷ đồng; CTCP Đầu tư thương mại SMC giảm 63%, đạt 80 tỷ đồng… Điểm chung của các doanh nghiệp này đều là giá vốn tăng mạnh hơn so với tăng trưởng của doanh thu khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp.

Nhóm doanh nghiệp nào bị ảnh hưởng nặng từ lạm phát?

Trong báo cáo triển vọng thị trường vừa cập nhật, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, nền kinh tế về tổng thể, vẫn đang trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, kết quả kinh doanh quý I/2022 cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn được duy trì ở mức cao, với tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp trên sàn HoSE tăng 34% so với cùng kỳ (cả năm 2021 tăng 37,6% so với cùng kỳ).

Mirae Asset vẫn giữ quan điểm lạm phát sẽ được kiểm soát ổn định dưới mức 4% trong năm 2022. Tuy vậy, rủi ro lạm phát đang ngày càng gia tăng, khi giá cả thực phẩm có xu hướng tăng trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine và những biện pháp trừng phạt liên quan sự tăng giá hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào có khả năng kéo dài do nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong khi nguồn cung bị đứt gãy; tác động của gói hỗ trợ lớn của Chính phủ, kèm theo tăng trưởng tín dụng cao.

Trước áp lực lạm phát gia tăng, công ty chứng khoán này điều chỉnh giảm dự phóng tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index xuống 17,5% từ mức gần 22% trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức đồng thuận chung của thị trường theo thống kê Bloomberg là 21%.

"Sau một năm lợi nhuận tăng trưởng mạnh như năm 2021, kỳ vọng mức tăng trưởng năm 2022 sẽ giảm tốc do một phần so sánh với mức nền cao của năm 2021. Lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng, tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp do chi phí nguyên vật liệu đầu vào, cũng như chi phí vận tải gia tăng. Trước rủi ro lạm phát và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng nhanh lãi suất sẽ tạo áp lực tăng lãi suất trong nước.

Sau khi điều chỉnh hạ mức dự phóng EPS năm 2022 xuống mức 17,5%, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể quay lại vùng 1.300 – 1.530 điểm trong năm nay, tương ứng vùng định giá P/E dự phóng cuối năm 2022 từ 12,8 – 15,1x", Mirae Asset nhấn mạnh.

Theo Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), khi lạm phát xảy ra, nhóm được hưởng lợi là các doanh nghiệp có chuỗi sản xuất, kinh doanh khép kín giúp tăng giá bán đầu ra; tự chủ được đầu vào sẽ giúp biên lợi nhuận cải thiện; nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm; bảo hiểm; ngành thiết yếu như điện, nước, dược phẩm, công nghệ…; dầu khí.

Trong khi đó, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi giá cả đầu vào và không có khả năng chuyển giá sang cho người tiêu dùng cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận. Một số nhóm ngành mà Agriseco Research đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề khi lạm phát tăng lên bao gồm: Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng như nhựa; nhóm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi; nhóm vận tải logistics; nhóm cung cấp các dịch vụ sản phẩm không thiết yếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.