EVN lỗ nặng do chi phí sản xuất cao. |
Thông tin được công bố tại họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của Bộ Công Thương chiều 31/3.
Ông Trần Hồng Phương, Trưởng phòng Giá và phí (Cục Điều tiết điện lực) cho biết, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Theo đó, năm 2022, tính chung các chi phí, giá thành sản xuất điện năm 2022 là 2.032,26 đồng, cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành 167,82 đồng (giá điện hiện nay là 1.864,44 đồng), tăng 9,27% so với năm 2021 (năm 2021 là 1.859,9 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020).
Do đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN lỗ 36.294,15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058,36 tỷ đồng. Nhờ đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện giảm lỗ còn 26.235,78 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).
Bộ Công Thương thông tin về tình hình kinh doanh của EVN. Ảnh: Bộ Công Thương |
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2022, EVN lỗ chủ yếu do chi phí điện đầu vào cao, nhiều phát sinh tăng lên. Trong khi đó, giá điện cũng chưa được điều chỉnh trong 4 năm qua.
“Bản thân EVN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tuy nhiên nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí, đặc biệt là giá than tăng hơn 3 lần, có thời điểm tăng 4-5 lần. Điều này là nguyên nhân lớn khiến chi phí đầu vào tăng cao. EVN đã thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, cắt giảm đến 30% tổng chi phí sản xuất, tiết kiệm 10.000 tỷ đồng", ông Nam nói và cho biết EVN đã kiến nghị tăng giá điện trong năm nay.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, việc tăng giá điện phải báo cáo Thủ tướng xem xét, tùy theo mức điều chỉnh, sẽ thuộc thẩm quyền của các đơn vị khác nhau. Nếu các yếu tố đầu vào làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên, giá điện sẽ được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm sẽ được điều chỉnh giảm.
Theo quy định, nếu giá điện được tính toán tăng dưới 5%, thẩm quyền sẽ thuộc EVN, 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, 10% trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Hòa thông tin, thời gian qua, EVN đã xây dựng những phương án để điều chỉnh giá điện và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã rà soát, kiểm tra các phương án của EVN và đang báo cáo Thủ tướng theo quy định.
Tháng 2/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh. Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân cụ thể trong năm nay.