FPT Retail và Thế giới Di động bước vào cuộc đua bán thuốc

DOANH NGHIỆP Việt nAM
15:02 - 23/02/2022
Trong khi Long Châu hứa hẹn là động lực tăng trưởng chính cho FPT Retail thì TGDĐ cũng bắt đầu tập trung phát triển An Khang.
Trong khi Long Châu hứa hẹn là động lực tăng trưởng chính cho FPT Retail thì TGDĐ cũng bắt đầu tập trung phát triển An Khang.
0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau khi chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail ký hợp đồng phân phối thuốc trị Covid -19, Chủ tịch Thế giới Di động đã tuyên bố “việc bán thuốc đặc trị Covid-19 không phải độc quyền và sắp tới tất cả các nhà thuốc sẽ tràn ngập sản phẩm này”.

Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, thành viên Tập đoàn FPT, mã chứng khoán FRT) và Công ty cổ phần Đầu Tư Thế Giới Di Động (TGDĐ, mã chứng khoán MWG) được ví như Amazon và Walmart ở Mỹ. Bởi từ khi có dấu ấn trên thị trường bán lẻ, cuộc đua của hai doanh nghiệp này luôn nóng bỏng.

Trước đây, FPT Retail và TGDĐ chủ yếu hơn thua trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Trong khi TGDĐ có sự áp đảo về quy mô thì FPT Retail lại cho thấy lợi thế về công nghệ thông tin, khi đằng sau là sự hậu thuẫn của Tập đoàn FPT - đứng đầu thị trường ICT từ nghiên cứu, phần mềm, giáo dục…

“Cuộc chiến” giữa hai ông lớn bán lẻ trên vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ khi thời gian qua, FPT Retail và TGDĐ vẫn liên tiếp “gây chiến” khi “xâm phạm lãnh thổ” của nhau. Hồi giữa năm 2021, FPT Shop lấn sân sang mảng thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, với sự hậu thuẫn của Xiaomi để phân phối toàn bộ hệ sinh thái Mi Eco. Đây là lĩnh vực được coi như sân nhà của TGDĐ với chuỗi hàng trăm cửa hàng Điện máy xanh.

Ngay lập tức, TGDĐ cũng xâm nhập vào mảng kinh doanh cốt lõi của FPT Shop khi cho ra mắt 4 cửa hàng đầu tiên của chuỗi bán lẻ mới mang thương hiệu TopZone. TopZone là chuỗi cửa hàng công nghệ, chuyên bán tất cả các sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Bốn cửa hàng đầu tiên đã ra mắt vào tháng 10 và dự kiến có hơn 60 cửa hàng sau quý I/2022. Trong khi đó, FPT Retail đã được Apple công nhận là đối tác đại lý ủy quyền cấp cao nhất từ 9 năm trước.

TGDĐ thành lập TopZone ngay sau khi FPT Retail nhảy vào Xiaomi.

TGDĐ thành lập TopZone ngay sau khi FPT Retail nhảy vào Xiaomi.

Mới đây nhất, FRT và TGDĐ lại có màn “tuyên chiến” trong lĩnh vực dược phẩm khi TGDĐ nâng tỷ lệ sở hữu chuỗi nhà thuốc An Khang lên 100%. Thực tế, TGDĐ đã bắt đầu đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang từ đầu năm 2018 với thương vụ chi 62 tỷ đồng để nắm 49% tỷ lệ sở hữu. Tập đoàn của ông Nguyễn Đức Tài từng có ý định mua hẳn 100% nhưng sau đó kế hoạch tạm dừng vì “chưa phải thời điểm thích hợp”. Ông Tài cũng từng chia sẻ “An Khang chỉ là một bước thử nghiệm của Thế Giới Di Động khi thị trường dược phẩm tại Việt Nam còn rất phức tạp”.

Tuy nhiên vào đầu tháng 11, TGDĐ lại bất ngờ “quay xe” mua 1,294 triệu cổ phiếu của An Khang với giá phí hợp nhất kinh doanh là 52,2 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc nâng tỷ lệ sở hữu tại An Khang lên 100%. Việc An Khang chính thức trở thành công ty con của Thế Giới Di Động được ông Nguyễn Đức Tài lý giải là để chuẩn bị cho những bước phát triển trong tương lai. Ông Tài cho rằng, muốn kiếm lợi nhuận trong ngành thuốc thì thời điểm này là phù hợp để tăng trưởng mô hình chuỗi nhà thuốc.

Động thái thâu tóm An Khang của Thế giới Di động diễn ra trong bối cảnh chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail phát tín hiệu ăn nên làm ra. Cụ thể, năm 2021, Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với so với năm 2020. Nhờ đó, chuỗi nhà thuốc này đã có lãi nhẹ. Hết năm 2021, Long Châu có 400 nhà thuốc tại 53 tỉnh, thành phố; tăng thêm 200 cơ sở so với đầu năm. Để khích lệ nhân viên, Long Châu còn công bố thưởng Tết Nguyên đán 2022 cao nhất đến 5 tháng lương.

Năm 2021, FRT đạt doanh thu hợp nhất gần 22.500 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020; lợi nhuận 554 tỷ đồng, tăng gần 20 lần so với năm trước đó. Trong đó, Long Châu đóng góp 18% vào tổng doanh thu.

Theo đánh giá của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho FPT Retail trong tương lai vì chuỗi đã thu hút được một lượng lớn khách hàng thời gian qua, các nhà thuốc mới mở cũng đạt được ngay doanh thu ổn định ban đầu. Chứng khoán VietinBank (CTS) cũng nhận định, Long Châu đã bắt đầu cho lợi nhuận và là động lực tăng trưởng chính của FPT Retail từ năm 2022. CTS dự phóng doanh thu trung bình trên từng cửa hàng thuốc đạt khoảng 8,9 tỷ đồng/năm.

Động thái đẩy mạnh kinh doanh mới nhất của Long Châu chính là ký hợp đồng phân phối một triệu viên thuốc trị Covid -19, trong bối cảnh số ca dương tính đang tăng nhanh trên nhiều tỉnh, thành. Cụ thể, hệ thống nhà thuốc này sẽ bán hai loại thuốc điều trị Covid-19 là Molravir 400 của Boston Việt Nam và Molnupiravir Stella 400 của Stellapharm tại hệ thống gần 500 nhà thuốc ở 63 tỉnh thành. Với thông tin này, cổ phiếu FRT của FPT Retail đã "bung nóc". Từ 17/2 đến nay, mã đã tăng gần 22%, từ 95.000 đồng lên 117.000 đồng.

Điều trùng hợp là ngày 17/2, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ký quyết định ban hành danh mục 3 loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam; đồng thời công bố Long Châu là đơn vị đầu tiên phân phối các loại thuốc này.

Ngay sau đó, ngày 18/2, buổi họp với nhà đầu tư của Công ty cổ phần Đầu Tư Thế Giới Di Động được tổ chức. Trả lời câu hỏi “Công ty có ý định kinh doanh thuốc đặc trị Covid-19 hay không?”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, người sắp tới sẽ phụ trách phát triển chuỗi An Khang cho biết: "An Khang cũng giống như các chuỗi bán lẻ khác bên ngoài, cũng có lên kế hoạch đặt hàng, chắc khoảng tuần sau sẽ có hàng. Vấn đề hiện nay là đang vướng một số thủ tục từ các nhà phân phối hoặc nhà sản xuất nhập về Việt Nam, chứ không gặp vấn đề ở An Khang. Chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa An Khang cũng sẽ bán thuốc đặc trị Covid-19".

Chủ tịch TGDĐ Nguyễn Đức Tài thì bày tỏ quan điểm: "Thuốc điều trị Covid-19 cũng không khác thuốc điều trị dạ dày bao nhiêu cả. Tất cả các nhà sản xuất muốn đưa thuốc ra thị trường thì phải được cấp số lưu hành. Sau đó, họ cũng sẽ bán xuống các kênh như bình thường thôi. Đây không phải khái niệm hàng độc quyền. Chỉ trong 1-2 tuần nữa sẽ thấy thuốc trị Covid-19 tràn ngập tất cả các nhà thuốc, chứ không phải chỉ có ở An Khang hay ở đâu đó".

Hiện nay An Khang có khoảng gần 200 cửa hàng. Ông Hiểu Em cho biết, mục tiêu sắp tới của An Khang là gia tăng doanh số. Doanh số của một số nhà thuốc An Khang với mô hình hiện tại khoảng trên 500 triệu đồng/cửa hàng/tháng, bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn. Theo ông Hiểu Em, đây là mức rất thấp và An Khang còn nhiều cơ hội để đẩy doanh số tăng lên khi nhu cầu thị trường vẫn đang rất lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp