'Gáo nước lạnh' từ ông Trần Đình Long và một năm sóng gió của ngành thép

HÒA PHÁT Ngành Thép
13:36 - 20/01/2023
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long lần đầu tiên báo lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong một quý, và không ai biết đây có phải là đáy lợi nhuận của Hòa Phát hay chưa. Ngành thép vừa đi qua vùng sương mờ nhưng liệu phía trước có là miền sáng?

Từ “gáo nước lạnh” của Chủ tịch Trần Đình Long

Nếu để chọn một ngành chịu nhiều sóng gió nhất trong năm 2022 thì thép chính là cái tên tiêu biểu nhất. Bởi chỉ trong 1 năm, thế trận kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã xoay vần nhanh chóng.

Hồi đầu năm 2022, hàng loạt các doanh nghiệp thép như Hoa Sen, Thép Nam Kim, Tôn Đông Á, Thép Việt Nam… đều báo lãi năm 2021 kỷ lục, tăng trưởng bằng lần so với 2020. Riêng Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2020; lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 156% với năm trước. Với kết quả đó, Hòa Phát đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 12.400 tỷ đồng, tăng gần 70% so với năm 2020 và cao gần gấp đôi năm 2018.

Sự thăng hoa của ngành thép trong năm 2021 đến từ giá thép liên tục tăng cao và vượt đỉnh. Các doanh nghiệp càng tồn kho lớn thì càng hưởng lợi từ chênh lệch giá bán. Nhiều ý kiến thời điểm đầu năm vẫn nhận định, ngành thép sẽ tiếp tục gặp thuận lợi nhờ công cuộc phục hồi kinh tế hậu Covid-19, khi các công trình xây dựng, dự án bất động sản hoạt động trở lại.

Thực tế trong quý 1/2022, ngành thép vẫn trong bối cảnh tăng trưởng rất tích cực. HPG ghi nhận 44.400 tỷ đồng doanh thu trong, tăng 41% so với cùng kỳ 2021 và đây là mức doanh thu cao thứ 2 trong lịch sử tập đoàn. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 17%. Bất chấp những tín hiệu khả quan khi đó, vào ngày ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 (24/5), Chủ tịch Hòa Phát bất ngờ “dội gáo nước lạnh” cho cổ đông, cảnh tỉnh một viễn cảnh đầy khó khăn. Khi đó, rất ít người tin vào điều mà ông Trần Đình Long cảnh báo.

Ông Trần Đình Long tiết lộ ngành thép đang không thuận lợi. Nguyên nhân là do xung đột Nga - Ukraine làm nguyên liệu đầu vào tăng sốc. Mặt khác, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid trong khi nước này chiếm 60% nhu cầu tiêu thụ thép thế giới, làm ảnh hưởng đến lực cầu.

“Đợi 2 tháng nữa có kết quả kinh doanh quý 2/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Long chia sẻ với cổ đông.

Đến 2 quý lỗ kỷ lục

Lời tuyên bố từ tỷ phú Trần Đình Long khiến rất nhiều nhà đầu tư bức xúc. Bởi cổ phiếu nhóm thép vốn bị ảnh hưởng bởi thị trường chung đã giảm mạnh từ mức đỉnh hình thành hồi tháng 10/2021. Sau khi Chủ tịch Hòa Phát dự báo “ngành thép thê thảm”, nhóm này lại càng “rơi” mạnh hơn.

Nhưng không cần phải đợi lâu, đúng như nhận định của ông Long, ngay trong quý 2/2022 kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép đã chìm trong gam màu xám. Sang quý 3 và quý 4, tình hình càng thêm thê thảm. Các công ty đua nhau báo lỗ kỷ lục.

Doanh thu Hòa Phát quý 3 giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức 34.441 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 1.786 tỷ đồng. Đây là lần đầu HPG báo lỗ quý trong khoảng 13 năm trở lại đây (quý lỗ gần nhất của HPG ghi nhận vào tháng 4/2008, âm 232 tỷ đồng).

Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là đáy lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép. Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính nhưng trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán, Hoà Phát đã thông tin về kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng, đánh dấu 2 quý lỗ nặng liên tiếp.

Lũy kế cả năm 2022, doanh nghiệp đầu ngành thép đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh ngành thép “thê thảm” do nhiều khó khăn kéo đến cùng lúc. Tính từ giữa tháng 5/2022 đến cuối tháng 8/2022 đã có 15 lần giá thép giảm liên tiếp, từ quanh mức 19 triệu đồng/tấn, xuống còn 14,5-15 triệu đồng/tấn. Sau đó, tuy có tăng nhẹ vào đầu tháng 9 nhưng giá thép lại quay đầu giảm 2 lần liên tiếp về quanh 14 triệu đồng/tấn, tương đương giai đoạn cuối năm 2020.

Lạm phát và suy thoái kinh tế làm yếu đi cầu thép thế giới. Cầu và giá thép nội địa không nằm ngoài ảnh hưởng này. Hơn nữa, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng do tín dụng của ngành này bị siết chặt cũng góp phần khiến tiêu thụ thép Việt Nam giảm mạnh. Ngoài ra, một số công ty còn chịu thêm sức ép từ lãi suất vay vốn và chênh lệch tỷ giá dâng cao.

Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn bủa vây, không ít doanh nghiệp đã phải tiết giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ luân phiên. Như Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - VNsteel phải gửi thông báo đến cán bộ, nhân viên về việc tổ chức nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất dài ngày từ tháng 10 đến tháng 12/2022. Nhà máy luyện phôi thép - Chi nhánh CTCP Thép Pomina ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ, công nhân viên các bộ phận.

Từ tháng 11/2022, Hoà Phát cũng phải tạm dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương.

Lợi thế quy mô lớn và tài chính lành mạnh

Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 2022 là một năm đầy thách thức với ngành thép Việt Nam, khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.

Sản xuất thép thành phẩm toàn ngành năm 2022 đạt 29,339 triệu tấn, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2%; trong đó xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1%.

Mặc dù vậy, nhìn ở góc độ tích cực, ngành thép cũng đang cho thấy một số tín hiệu tươi sáng hơn. Như thường lệ mọi năm, thời điểm cuối năm sẽ là thời điểm “bung hàng” của các doanh nghiệp ngành thép khi đầu tư công, xây dựng các công trình được thúc đẩy mạnh hơn. Đây chính là cơ hội để giảm áp lực tồn kho, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi kỳ vọng các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả và nước này dần nới lỏng chính sách kiểm soát Covid.

Thép cũng như các vật liệu khác trong vật liệu xây dựng có tính chu kỳ rõ rệt, được mua nhiều khi kinh tế tăng trưởng nhưng lại ít được tiêu thụ nếu kinh tế suy thoái; đồng thời bị ảnh hưởng bởi các tố khách quan như chiến tranh, dịch bệnh... Các đỉnh nổi bật của giá thép gần nhất xảy ra vào các tháng 8/2011, tháng 4/2018 và tháng 9/2021; cùng với các đáy giá xảy ra vào tháng 5/2009, tháng 2/2016 và tháng 6/2020.

Trong năm 2022, giá thép đã điều chỉnh về mức “phải chăng” hơn nên rủi ro tiếp tục giảm sâu là thấp. Thực tế từ tháng 10 trở lại đây, giá thép đã có nhiều đợt điều chỉnh tăng, phần lớn do tác động từ động thái mở cửa, phục hồi của kinh tế Trung Quốc.

Về Hòa Phát, mặc dù ghi nhận 2 quý lỗ kỷ lục nhưng về cơ bản, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp vẫn khá lành mạnh. Tại thời điểm cuối quý 3/2022, HPG đang nắm gần 40.000 tỷ đồng tiền mặt, trong đó có 27.000 tỷ tiền gửi tiết kiệm và gần 12.000 tỷ tiền “tươi”. Cộng cả nợ vay ngắn và dài hạn trừ tiền đang có thì mức nợ ròng gần khoảng 1,07 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại (HPG vay USD nhiều).

Trong cơ cấu nợ, tập trung chính vào nợ tài chính ngắn hạn gần 53.000 tỷ đồng (phục vụ các loại hình như vốn lưu động, nhập khẩu nguyên vật liệu ...). Nợ dài hạn khá thấp. Tuy chi phí lãi vay tăng mạnh trong các quý gần đây, HPG vẫn duy trì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tương đối “ổn”, khoảng 0,6 – 0,7 trong năm 2022 và thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý 3/2022, Hòa Phát ghi nhận lỗ lớn chủ yếu do chi phí tài chính tăng vọt gần 140% lên mức 2.309 tỷ đồng. Trong đó, khoản tăng chủ yếu là lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện, lên tới 1.118 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ chưa đến 1 tỷ đồng. Trong quý 4, doanh nghiệp khả năng tiếp tục phải chịu khoản lỗ này, tuy nhiên sang năm 2023 tình hình có thể cải thiện hơn khi Fed giảm dần lộ trình và tốc độ tăng lãi suất, đồng USD giảm nhiệt.

Đặc biệt, với Hòa Phát, lợi thế là quy mô lớn, việc hoạt động tối đa công suất vẫn là tốt nhất để tối ưu chi phí. Về dài hạn, Khu liên hợp Dung Quất 2 được dự kiến đi vào hoạt động từ cuối 2024 sẽ giúp doanh nghiệp lọt vào Top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn, tăng 66% so với hiện nay. Vị thế hàng đầu của Hòa Phát trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long từng tự tin khẳng định “Nếu thị trường có sập, Hòa Phát sẽ là người chết cuối cùng”; ý nói nguyên tắc của Hòa Phát không phải là tính lúc mọi sự đang thuận, mà phải tính lúc thị trường xấu nhất, thấp nhất mà công ty vẫn sống được. Như vậy, doanh nghiệp đầu ngành thép có lẽ đã có sự tính toán, chuẩn bị sớm cho giai đoạn tới, dù là miền sáng hay tiếp tục một vùng “sương mờ” khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp