Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dược lý học di truyền trong điều trị bệnh, hỗ trợ y bác sỹ trong quá trình khám chữa, sử dụng thuốc và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.
Tại sự kiện, các chuyên gia trong lĩnh vực dược lý di truyền đã chia sẻ những nghiên cứu liên quan đến vấn đề phản ứng có hại của thuốc, ứng dụng thực tiễn các thông tin dược lý di truyền trong hoạt động thăm khám lâm sàng trên thế giới, từ đó đưa ra các hướng đi nhằm giải quyết thực trạng sử dụng thuốc tại Việt Nam. Trong đó, giải mã gen được các chuyên gia nhìn nhận là một giải pháp căn cơ có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng thuốc của người bệnh và từng bước tạo đà cho sự phát triển của y học dự phòng.
GS. George P. Patrinos, Giám đốc Khoa học của The Golden Helix Foundation (Anh), đồng Chủ tịch mạng lưới hợp tác y học hệ gen toàn cầu G2MC, Tổng biên tập Tạp chí Dược lý di truyền học của Nature phát biểu tham luận tại Hội thảo |
Điểm nhấn ấn tượng trong hội thảo là tham luận “Phản ứng có hại của thuốc trên thế giới và lợi ích kinh tế của các phương pháp chăm sóc sức khỏe qua giải mã gen” của Giáo sư di truyền học George P. Patrinos, Giám đốc Khoa học của The Golden Helix Foundation (Anh), đồng Chủ tịch mạng lưới hợp tác y học hệ gen toàn cầu G2MC, đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Dược lý di truyền học của Nature. Ông là giáo sư đầu ngành dược lý học di truyền, tác giả của hơn 300 công bố được bình duyệt và đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.
Tham luận của GS. George Patrinos cho biết, trên thế giới, dược lý học di truyền - lĩnh vực khoa học nghiên cứu về cơ chế tương tác giữa thuốc và các gen di truyền - đã và đang được coi là một công cụ quan trọng giúp dự phòng nguy cơ phản ứng có hại của thuốc trong y học. “Dữ liệu di truyền có được nhờ giải mã gen đóng vai trò quan trọng, giúp bác sĩ kê đơn thuốc hiệu quả hơn, giảm thiểu các tác dụng phụ, gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Đây cũng là điều mà chúng tôi đang cố gắng thực hiện ở Hy Lạp, nhằm mang lại lợi ích cho từng bệnh nhân cũng như hệ thống phúc lợi y tế của đất nước. Tôi tin Việt Nam, với nền tảng khoa học vững chắc cùng sự đầu tư mạnh mẽ cho giải mã gen trong thời gian gần đây, có thể tạo nên những bước tiến tương tự”, GS. George Patrinos chia sẻ thêm.
GS.TS. Thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Lâm sàng Hệ thống y tế Vinmec phát biểu tại hội thảo |
Sự kiện còn có sự góp mặt của đội ngũ các nhà khoa học, bác sĩ uy tín trong nước ở các lĩnh vực y, sinh, dược học như GS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Đỗ Tất Cường (Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Lâm sàng Hệ thống Y tế Vinmec, Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện 103, Phó chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Ghép tạng Việt Nam, kiêm Cố vấn khoa học GeneStory), PGS.TS. Lê Hữu Song (Đại tá - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), PGS.TS. Vũ Đình Hòa (Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc - DI & ADR Quốc Gia), PGS.TS. Phùng Thanh Hương (Trưởng khoa Công nghệ Sinh học - ĐH Dược Hà Nội), TS.DS. Phan Quỳnh Lan (Giám đốc khối Dược - Hệ thống Y tế Vinmec), TS.BS. Nguyễn Văn Đĩnh (Trưởng khoa Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City)…
Tọa đàm Giải pháp cho vấn đề phản ứng có hại của thuốc tại Việt Nam |
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, tọa đàm Giải pháp cho vấn đề phản ứng có hại của thuốc tại Việt Nam do các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành dẫn dắt đã cùng thảo luận bức tranh toàn cảnh về y học dự phòng ở Việt Nam và các phương pháp để ứng dụng những báo cáo dược lý di truyền vào lâm sàng một cách có ý nghĩa. Thống kê năm 2021 của Trung tâm DI & ADR Quốc gia cho biết, có hơn 17.276 báo cáo về các phản ứng có hại của thuốc, trong đó có đến 16.981 (98,2%) báo cáo về biến cố bất lợi của thuốc.
Các chuyên gia trong nước nhận định, một trong những nguyên nhân phổ biến là do kiểu gen của mỗi cá nhân sẽ quy định khả năng đáp ứng với mỗi loại thuốc khác nhau.
“Vì vậy, đã đến lúc người Việt cần được chăm sóc sức khỏe hiệu quả và đúng cách hơn, không chỉ trong phòng bệnh mà còn chữa bệnh. Quan điểm ‘Một phương thuốc dùng cho nhiều người’ cần nhường chỗ cho thời đại của y học dự phòng và y học cá thể hóa. Điều này đang được triển khai hiệu quả nhất thông qua việc giải mã gen”, TS. Võ Sỹ Nam - đồng sáng lập kiêm Giám đốc khoa học Công ty GeneStory, khẳng định.
Hội thảo Ứng dụng dược lý học di truyền trong lâm sàng đã mang đến một góc nhìn tổng quan về tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của tính cá thể hoá trong phòng và điều trị bệnh. Dược lý di truyền học thông qua giải mã gen là giải pháp cần được ứng dụng sâu rộng hơn nữa trong y học dự phòng, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân.