Giá cà phê trong nước và quốc tế đồng loạt giảm

cà phê Việt nAM
13:16 - 25/02/2022
Giá cà phê thế giới lao dốc - Ảnh: minh họa
Giá cà phê thế giới lao dốc - Ảnh: minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 25/2, giá cà phê thế giới giảm do ảnh hưởng bởi biến động của thị trường khi giá vàng, dầu tăng ở mức kỷ lục, kéo theo giá cà phê trong nước cũng có phản ứng tương tự.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê các tỉnh ngày 25/2 tiếp tục đà giảm ngày thứ 2 liên tiếp, giảm 400 đồng/kg. Mức giá thấp nhất ghi nhận tại Lâm Đồng, đạt 40.400 đồng/kg. Trong khi đó, mức cao nhất được ghi nhận tại Đăk Lăk, đạt 41.000 đồng/kg.

Tại thị trường thế giới, giá cà phê đồng loạt giảm trên hai sàn giao dịch. Giá cà phê trực tuyến Robusta tại London kỳ hạn giao tháng 3/2022 được ghi nhận tại mức 2.288 USD/tấn sau khi giảm 61 USD. Kỳ hạn giao tháng 5/2022, đạt mức 2179 USD/tấn, giảm 55 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 239,35 USD cent/pound, giảm 9,25 USD cent. Kỳ hạn giao tháng 5/2022 đạt mức 237,9 USD/pound, giảm 0,65 USD cent.

Những ngày giữa tháng 2/2022, giá cà phê Robusta và Arabica tăng do giới đầu cơ quay lại mua ròng và tồn kho giảm xuống mức thấp nhất 22 năm ở New York. Đây cũng là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại ở London.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2021 – 2022 giảm 8,5 triệu bao (tương ứng giảm 4,8%) so với niên vụ 2020 – 2021, xuống còn 167,5 triệu bao (60kg/bao).

Trong ba tháng đầu niên vụ 2021 – 2022, thị phần cà phê Robusta tăng lên mức 37,5% trong tổng xuất khẩu hạt cà phê. Trong khi đó, ở niên vụ 2020 – 2021 thị phần của Robusta chỉ chiếm 32,1%. Điều này cho thấy thị trường đang có một sự tái cân bằng về nguồn cung để bù đắp cho sự tăng giá và thiếu hụt của cà phê Arabica.

Trong ba tháng đầu niên vụ 2021 – 2022, xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu đạt 27,5 triệu bao, giảm 3,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Đây là sự tiếp nối của xu hướng giảm xuất khẩu cà phê nhân kể từ niên vụ cà phê 2010 – 2011 đến 2020 – 2021. Trong giai đoạn này, tỷ trọng của cà phê nhân đã giảm từ 92% xuống 90,6% trong tổng xuất khẩu toàn cầu.

Việc giảm tỷ trọng này là do sự gia tăng của các lô hàng cà phê hòa tan xuất khẩu, làm tăng tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu từ 7,8% lên 8,8%.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo tăng 1,5 triệu bao lên 165 triệu bao, tăng chủ yếu là khu vực EU, Mỹ và Brazil. Trong khi đó, tồn kho cà phê toàn cầu trong niên vụ 2021 – 2022 dự kiến sẽ giảm 6,3 triệu bao xuống 30 triệu bao. Đây là mức thấp nhất trong 5 niên vụ vừa qua.

Bên cạnh đó, giá cà phê biến động cũng do chịu sự tác động từ chiến sự ở Ukraine. Giá vàng, giá dầu thô tăng vọt do có khả năng sinh lời cao trong ngắn hạn. Trong khi đó, nhóm các hàng hóa phái sinh có tính thanh khoản cao như cà phê lại chịu sự sụt giảm.

Tin liên quan

Đọc tiếp