MXV cho biết, đóng cửa tuần giao dịch 8 – 14/7, giá của 3/4 nhóm hàng (trừ nguyên liệu công nghiệp) đều sụt giảm kéo chỉ số MXV – Index rơi 1,93%, xuống 2.260 điểm. Thị trường nông sản đứng trước áp lực mua lớn, chỉ số giá hàng hóa nhóm này bất ngờ lao dốc tới 5,2% trong tuần vừa qua.
Nằm trong nhóm hàng duy nhất tăng giá, cà phê Robusta và Arabica cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý. Trong đó, vào ngày 9/7, giá cà phê Robusta đã leo lên mức cao kỷ lục trong lịch sử khi tăng nóng gần 600 USD so với đầu tháng 7/2024.
Giá nông sản giảm sâu
Theo MXV, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (14/7), giá 6/7 mặt hàng nông sản (trừ gạo thô) đồng loạt sụt sâu 5 – 6%. Trong đó, ngô là mặt hàng có đà suy yếu thấp nhất. Sau phiên đầu tuần lao dốc, thị trường ngô đã biến động giằng co và hồi phục, đặc biệt sau những số liệu công bố trong Báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 7 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Ảnh: MXV |
MXV dẫn thông tin từ báo cáo trên cho biết, USDA đã nâng dự báo sản lượng ngô niên vụ 2024 – 2025 của Mỹ lên mức 15,1 tỷ giạ, chênh lệch không đáng kể so với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, tồn kho niên vụ 2024 – 2025 bị điều chỉnh giảm xuống còn 2,09 tỷ giạ, trái với dự đoán tăng của giới phân tích và nằm thấp dưới khoảng dự đoán.
Nguyên nhân của điều chỉnh trên là do xuất khẩu và tiêu thụ ngô niên vụ 2023 – 2024 được nâng so với báo cáo trước, đẩy tồn kho đầu niên vụ 2024 – 2025 giảm mạnh. Yếu tố này đã khiến giá ngô tăng vọt vào cuối tuần và thu hẹp đà giảm trước.
Ở chiều ngược lại, tuần qua thời tiết tại Mỹ chuyển biến tốt. Tàn dư của bão Beryl mang mưa đến khu vực Vành đai ngô phía đông, đặc biệt là các bang Illinois và Indiana vốn đang khá khô hạn. Trong báo cáo Tiến độ mùa vụ, USDA cho biết tỷ lệ ngô đạt chất lượng tốt đã tăng lên mức 68% trong tuần qua, từ mức 67% trong tuần trước đó và vượt xa mức 50% cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy triển vọng vụ mùa tại Mỹ vẫn tương đối tích cực, khiến giá ngô chịu sức ép.
Trên thị trường nội địa, theo MXV, ghi nhận vào cuối tuần qua, giá ngô Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam có chiều hướng giảm nhẹ so với đầu tuần. Tại cảng Cái Lân, ngô Nam Mỹ kỳ hạn giao ba tháng cuối năm nay ở mức 6.400 đồng/kg. Giá chào bán ngô nhập khẩu tại cảng Vũng Tàu thấp hơn 100 đồng/kg so với giá giao dịch tại cảng Cái Lân.
Giá cà phê tiếp tục tạo đỉnh lịch sử mới
Theo MXV, kết thúc giao dịch vừa qua, giá cà phê Robusta bật tăng hơn 10%, xác lập mức đỉnh lịch sử mới tại 4.617 USD/tấn. Giá cà phê Arabica tăng tuần thứ ba liên tiếp, đưa giá giao dịch hiện tại lên mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Nguồn cung cà phê hạn chế tại các quốc gia sản xuất hàng đầu cùng sự suy yếu của tỷ giá đã hỗ trợ giá đi lên.
Ảnh: MXV |
MXV cho biết, các dự báo từ các tổ chức trong và ngoài nước đều cho thấy, sản lượng cà phê vụ 2024 – 2025 của Việt Nam sẽ giảm 15 - 20% so với vụ hiện tại. Sản lượng thấp sẽ kéo theo hoạt động xuất khẩu đi xuống, đồng thời làm thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn trên thị trường. Nhiều chuyên gia nhận định nguồn cung dần khan hiếm, hoạt động xuất khẩu sẽ giảm dần theo từng tháng. Lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể chỉ cải thiện từ cuối năm khi vụ mới được thu hoạch.
Tại Brazil, MXV dẫn thông tin từ Hiệp hội những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) dự báo sản lượng cà phê Robusta có thể giảm 10% so với ước tính ban đầu, cà phê Arabica có thể giảm 5%. Chỉ số Dolla Index vừa giảm tuần thứ hai liên tiếp sau khi Mỹ công bố CPI, kéo theo tỷ giá USD/BRL đánh mất 0,56%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp phần nào hạn chế nông dân Brazil bán cà phê, từ đó cũng thúc đẩy giá đi lên.
Hai kịch bản giá trên thị trường cà phê nội địa cuối năm Đầu tháng 7 vừa qua, MXV đưa ra hai kịch bản cho giá cà phê của Việt Nam vào cuối năm 2024 trong bối cảnh dự kiến La Nina có thể thay thế El Nino. Kịch bản thứ nhất: La Nina thay thế El Nino vào cuối năm nay, thúc đẩy mưa bão và lũ lụt xuất hiện thường xuyên tại khu vực Tây Nguyên. Kịch bản thời tiết năm 2022 có thể sẽ tái hiện. Mưa lũ diễn ra vào cuối năm, chính là giai đoạn thu hoạch cà phê tập trung vụ 2024 - 2025 tại Việt Nam. Sự bất thường của thời tiết sẽ làm cản trở hoạt động thu hoạch cà phê của nông dân. Điều này làm trì hoãn thời gian bổ sung nguồn cung ra thị trường. Hơn thế, tác động xấu từ thời tiết có thể làm giảm sản lượng cà phê vốn đã được dự báo ở mức thấp do gia tăng nguy cơ thối hỏng cà phê đã chín. La Nina sẽ trực tiếp ảnh hưởng lên nguồn cung cà phê vụ 2024 - 2025 của Việt Nam, khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn. Với kịch bản này, MXV dự đoán, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam sẽ nhảy vọt và vượt mức đỉnh lịch sử được thiết lập trong tháng 4 vừa qua. Kịch bản thứ hai: La Nina vẫn thay thế El Nino nhưng không có mưa bão, lũ lụt làm cản trở hoạt động thu hoạch của nông dân. Trong bối cảnh này, sản lượng cà phê vụ 2024 - 2025 của Việt Nam không đi theo chiều hướng tiêu cực hơn hiện tại. Dù vậy, thị trường vẫn có tâm lý lo ngại về sự chuyển biến thời tiết, kết hợp cùng sản lượng vốn đã được dự báo ở mức thấp, khiến nguồn cung vẫn thiếu hụt và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá. Với kịch bản này, MXV dự báo, giá cà phê vào cuối năm vẫn duy trì ở mức cao nhưng không thể vượt đỉnh lịch sử, mức gần 135.000 đồng/kg. |