Giá điện tăng, lo con cá mớ rau ngoài chợ cũng tăng giá

giá điện Việt nAM
07:38 - 05/05/2023
Ảnh: Hà Anh
Ảnh: Hà Anh
0:00 / 0:00
0:00
Giá điện tăng có thể kéo theo hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng giá, tuy nhiên, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để ngành điện tránh lỗ cũng như đảm bảo khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, giữ an ninh năng lượng.

Chị Nguyễn Nhung, nhân viên văn phòng (Hà Nội) tâm sự, mỗi tháng, gia đình chị chi khoảng từ 1.500.000 đến 1.700.000 đồng tiền điện, một khoản tiền không nhỏ trên tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng của một lao động tại đô thị, nhất là khi mọi hoạt động sinh hoạt bây giờ hầu như đều phải dùng điện từ điều hoà, máy giặt, tủ lạnh, máy tính, bếp từ,...

Chưa kể, điện là đầu vào của sản xuất, nhiều doanh nghiệp sản xuất sắp tới tăng giá cả hàng hóa theo là điều khó tránh khỏi.

"Một thực tế là, mỗi lần các mặt hàng thiết yếu tăng giá thì các mặt hàng hóa khác cũng "tát nước theo mưa", được dịp tăng giá. Giá điện tăng, con cá, mớ rau ngoài chợ ắt cũng tăng. Thu nhập năm nay lại không bằng năm trước. Giờ thêm chuyện giá điện tăng, sẽ phải tính toán lại chi tiêu trong gia đình", chị Nhung chia sẻ.

Tăng giá điện: không thể chần chừ?

Nói đi cũng phải nói lại, giá điện bán lẻ bình quân đã trải qua 4 năm kìm giữ không hề điều chỉnh từ năm 2019, sức ép tăng giá điện rất lớn trong bối cảnh EVN đang báo lỗ do chi phí đầu vào hơn 4 năm không được điều chỉnh.

Trong khi, trong 10 năm (giai đoạn 2009-2019), giá bán lẻ điện bình quân đã có 10 lần điều chỉnh tăng, không có lần nào điều chỉnh giảm.

Trong lần điều chỉnh này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo, kể từ ngày 4/5, chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Trong đó, năm 2009 giá bán lẻ điện bình quân là 948,5 đồng/kWh, sau đó tăng lên 1.058 đồng/kWh vào năm 2010 (tăng 11,5%). Năm 2011, giá điện tăng từ 1.058 đồng/kWh lên 1.220 đồng/kWh (tăng15,3%). Cũng trong năm 2011, giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1.220 đồng/kWh lên 1.304 đồng/kWh (tăng 6,8%).

Năm 2012 giá bán lẻ điện tăng từ 1.304 đồng/kWh lên 1.369 đồng/kWh (lần 1) và tăng lên 1.437 đồng/kWh (lần 2), tính chung cả năm tăng khoảng 11%. Gần nhất, năm 2019, giá điện tăng tiếp lên 1.720 đồng/kWh lên tới 1.864 đồng/kWh, tương đương mức tăng 8,4%.

Trao đổi với Mekong ASEAN, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, quyết định điều chỉnh giá điện của EVN là kịp thời khi theo con số công bố ngày 31/3 vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN tăng 9,27% so với năm 2021, do không điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26.400 tỷ đồng; riêng quý 1 vừa qua, dự tính EVN tiếp tục lỗ 18.400 tỷ đồng.

Nếu giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh kịp thời ở mức phù hợp, khi đó dự kiến tổng số lỗ lũy kế của hai năm 2022 và 2023 khoảng trên 68.700 tỷ đồng, điều này ảnh hưởng đến bảo toàn vốn Nhà nước tại EVN, đến khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu sử dụng điện của nền kinh tế ngày càng cao, ông Lâm nói.

Mặt khác, khi vốn Nhà nước tại EVN không được bảo toàn và mở rộng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới khả năng đầu tư gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng của nền kinh tế.

Đồng thời, gây khó khăn và cản trở quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam vì sản xuất năng lượng tái tạo đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn. Vì vậy, mặc dù bối cảnh đời sống người dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, song, việc điều chỉnh giá điện thời điểm này là cần thiết và hợp lý.

Tất nhiên, tăng giá điện sẽ gây áp lực khá lớn lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán cá nhân, nếu giá điện tăng 8% làm GDP giảm 0,36% và lạm phát tăng 0,5%; nếu giá điện tăng 10% sẽ làm GDP giảm 0,45% và lạm phát tăng 0,61%.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Do đó, theo ông Lâm, việc tăng giá điện sẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải tính toán nhiều phương sách để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 với tăng trưởng 6,5%, kiểm soát lạm phát 4,5%, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang đương đầu với nhiều khó khăn.

Thực tế, trong thời gian qua, nhận rõ những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế, tăng trưởng bị đuối sức, áp lực lạm phát gia tăng, Chính phủ đã kịp thời đưa ra chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến và thực tế tình hình kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.

Ngân hàng Nhà nước đã thực thi chính sách tiền tệ khác biệt, mang tính đột phá nhằm hỗ trợ thanh khoản, tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Chính phủ đã đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính, sẽ trình Quốc hội phê chuẩn quyết định giảm thuế VAT 2%, chủ trương này áp dụng sẽ ngay lập tức có tác động tích cực, giúp giá hàng hóa giảm, hỗ trợ cầu tiêu dùng gia tăng và tác động làm tăng vòng quay sản xuất, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi.

Ảnh: Mekong ASEAN
Ảnh: Mekong ASEAN

TS. Nguyễn Bích Lâm: Năm 2023 giá bán lẻ điện nên xem xét tăng khoảng 8%

Nêu quan điểm cá nhân về mức điều chỉnh tăng giá điện 3% của EVN, ông Lâm cho rằng, con số này là tương đối thấp, có thể đây là phương án tăng có lộ trình để tránh tác động đột ngột đến người dân và các ngành sản xuất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhìn nhận, giá bán sản phẩm phải trang trải toàn bộ chi phí và đảm bảo có lãi để phát triển và mở rộng sản xuất. Theo tính toán của EVN, để đạt được mức hòa vốn, giá bán lẻ điện cần phải tăng 9%, thấp hơn mức tăng giá thành sản xuất kinh doanh điện 9,27% của năm 2022 so với năm 2021 vì EVN đã tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn 30%, tiết giảm chi phí nhân công và chi phí khác.

Cần phải nói thêm, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn là bất đắc dĩ vì điều này sẽ ảnh hưởng tới năng lực sản xuất và phân phối điện trong những năm tới, ông Lâm nói.

Dù tăng giá điện sẽ tác động rất lớn, làm giảm tăng trưởng và gia tăng lạm phát, tuy vậy trong năm nay giá bán lẻ điện nên tăng khoảng 8%, sang năm 2024 tiếp tục tăng giá điện, đảm bảo giá bán lẻ điện mang lại lợi nhuận, để EVN có đủ vốn đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo khả năng cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và thực hiện chuyển đổi năng lượng, ông Lâm đánh giá.

Tin liên quan

Đọc tiếp