Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm sự chủ động, quyết liệt, chính xác và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với diễn biến tình hình, khắc phục các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung gỡ vướng mắc đối với tín dụng, thị trường TPDN, thị trường bất động sản và quản lý điều hành xăng dầu
Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư để chủ động phân tích, dự báo, nghiên cứu chiến lược và kịp thời điều hành, có các phản ứng chính sách hiệu quả, phù hợp để ứng phó với các vấn đề phát sinh.
Tập trung thực hiện các nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và quản lý điều hành xăng dầu, bảo đảm hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành việc lập, thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch.
Xử lý dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên nguồn cung vật liệu theo nhu cầu, tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; quản lý chặt chẽ giá nguyên, nhiên, vật liệu; xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, ép giá.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình giá thị trường hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định, nhất là mặt hàng điện, xăng, dầu và các mặt hàng thiết yếu khác...
Tháo gỡ khó khăn với từng dự án bất động sản cụ thể
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại công nghiệp, chú trọng các ngành có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao, bền vững.
Tập trung tháo gỡ khó khăn của các dự án công nghiệp lớn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản… để sớm đưa vào vận hành, gia tăng năng lực sản xuất, tạo chủ động nguồn cung cấp nguyên, nhiên vật liệu phục vụ phát triển bền vững.
Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, kích cầu tiêu dùng trong nước, nhất là các sản phẩm công nghiệp.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, đối với từng dự án bất động sản cụ thể. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, bền vững, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 3 dự án đạm
Chính phủ giao các Bộ, cơ quan gồm Giao thông vận tải, Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị để triển khai hiệu quả việc cơ cấu lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và 3 dự án đạm.
Tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.
Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, giảm giá đầu ra nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Đồng thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách.
Khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, người dân áp dụng cho năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; báo cáo Chính phủ trước ngày 15/3/2023.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn tất việc nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tổng thể về cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023.
Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.
Có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3/2023.
Khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông. Có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023.
Tập trung chỉ đạo hoàn thành 3 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 4 năm 2023.
Đẩy mạnh kiểm tra hiện trường và làm việc với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, nguồn vật liệu, đường công vụ, bãi đổ thải…) trong quá trình triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2023.
Phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến Vành đai 3 - TP HCM, Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30/06/2023.
Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo hình thức PPP đường cao tốc Nam Định - Thái Bình, Bình Phước - Đắk Nông trong tháng 3/2023.
Tập trung hoàn thành 3 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 |
Khẩn trương thực hiện các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH
Về tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vẫn còn 14.152 tỷ đồng của 50 dự án đang hoàn thiện thủ tục để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời, việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất còn rất chậm.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phân bổ và thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.
Yêu cầu 18 bộ, địa phương nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 31/3/2023 đối với số vốn 14.152 tỷ đồng thuộc Chương trình.
NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Dự kiến khả năng thực hiện, số tiền có thể giải ngân đến hết thời hạn của Chương trình, phương án đối với số tiền còn lại không sử dụng hết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/3/ 2023.
Về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện, nhất là đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương hoàn thành các văn bản hướng dẫn, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương trong quý 1/2023 và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Tiếp tục thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm.
Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh, trong đó chú trọng vào các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.
Tích cực rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh tiếp nhận, giải quyết và nâng cao chất lượng, triển khai thực chất các dịch vụ công trực tuyến.
Phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu nâng cao nhận thức về các hướng tiếp cận mới với kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thay đổi dần tư duy sản xuất, khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng cao của các nước phát triển.
Đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước; thực hiện hiệu quả, thực chất cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Tổ chức thực hiện có hiệu quả, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng. Củng cố, phát triển các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; chủ động tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan, hướng dẫn thực hiện cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong quý 1/2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới; chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023. Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa tiếng dân tộc, trình Chính phủ trong tháng 3/2023.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Chiến lược cải cách hành chính của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.