Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lai Châu cho lãnh đạo tỉnh Lai Châu. Ảnh: VGP |
Ngày 23/1, tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sự kiện diễn ra đúng vào năm Lai Châu kỷ niệm 115 năm Ngày thành lập tỉnh (1909 - 2024).
Quy hoạch tỉnh Lai Châu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9-11%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%.
Tầm nhìn đến năm 2050, Lai Châu là tỉnh phát triển xanh, bền vững, văn minh, giàu bản sắc văn hoá, phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng nông thôn được hiện đại hóa, đạt đầy đủ các tiêu chí của nông thôn mới. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu đưa Lai Châu trở thành tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Lai Châu không có nhiều lợi thế so sánh như các địa phương khác, khó khăn nhất của Lai Châu là vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt, thiếu hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng do vậy cần đánh giá, nhìn nhận lại tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược của Lai Châu để có sự đầu tư thích đáng, kịp thời.
"Lai Châu cần xem xét, gắn với Quy hoạch vùng để nhìn thấy định hướng phát triển vùng, nguồn lực đầu tư, trục kết nối nội vùng, hành lang kinh tế, trung tâm động lực của vùng để tạo cộng hưởng, lan toả trong phát triển", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP. |
Lãnh đạo Chính phủ gợi ý một số định hướng phát triển mà Lai Châu cần tập trung trong thời gian tới bao gồm phát triển đô thị, nông thôn; đầu tư cho hạ tầng bảo quản tốt các nguồn tài nguyên sẵn có.
Về định hướng phát triển mạng lưới đô thị, nông thôn, Phó Thủ tướng cho rằng việc phát triển các đô thị, khu công nghiệp, vùng nông nghiệp quy mô lớn ở Lai Châu là rất khó khăn phải tìm ra những đặc điểm, giá trị riêng để phát triển. Theo đó, phát triển các đô thị trung tâm, động lực, vệ tinh gắn với chức năng riêng biệt như là quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ, công nghiệp.
"Tư duy phát triển đô thị phố núi của Lai Châu là để tăng quy mô nền kinh tế, chuyển đổi cơ cấu các ngành kinh tế; giữ gìn màu xanh thiên nhiên, nguồn sinh thuỷ, bảo vệ vùng biên cương… dựa vào địa hình, cảnh quan thiên nhiên, phát huy lợi thế kinh tế cửa khẩu", Phó Thủ tướng gợi ý.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, Phó Thủ tướng lưu ý đây là nội dung quan trọng, trong đó giao thông là chìa khóa phát triển của Lai Châu, Phó Thủ tướng "đặt hàng" Lai Châu trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương ưu tiên phát triển một số tuyến đường, công trình giao thông kết nối liên tỉnh, nội vùng, liên vùng như đường cao tốc Tây Bắc, sân bay Lai Châu mang tính động lực cho cả vùng.
Từ đó, "đánh thức" tiềm năng về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, văn hoá, cảnh quan thiên nhiên… để hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, dược liệu; du lịch sinh thái, văn hoá, nông nghiệp, lâm nghiệp.
Về việc khai thác các nguồn tài nguyên, khoáng sản sẵn có, với trữ lượng tiềm năng về đất hiếm phục vụ công nghiệp bán dẫn, pin năng lượng, Phó Thủ tướng đề nghị Lai Châu quản lý thật tốt, tránh khai thác tuỳ tiện, xuất khẩu thô và đầu tư bài bản cho nguồn tài nguyên này, đồng thời có chiến lược cho ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu, kết hợp với các tuyến giao thông, hạ tầng logistics nhằm nâng cao giá trị nguồn đất hiếm.
Bên cạnh đó, Lai Châu phải giữ được rừng để giữ nguồn nước, thuỷ điện, để phát triển nông nghiệp, dược liệu, du lịch, dịch vụ rừng, tín chỉ carbon và quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, du lịch, quản lý, khai thác, chế biến đất hiếm.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Giàng Páo Mỷ nhấn mạnh tỉnh Lai Châu mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Lai Châu trở thành tỉnh phát triển trung bình của vùng trung du và miền núi phía Bắc, đến năm 2050 là tỉnh có kinh tế, xã hội trên mức trung bình của cả nước.
Lãnh đạo tỉnh Lai Châu trao quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư cho một số dự án tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Đồng thời tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, sớm cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao chủ trương đầu tư một số dự án trên địa bàn.
Lai Châu là vùng biên cương, phên dậu của Tổ quốc với 265 km đường biên giới. Tỉnh có tài nguyên đất đai, khoáng sản phong phú, đa dạng, khí hậu mát mẻ quanh năm, có tiềm năng rất lớn về thủy điện.
Lai Châu còn có nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, hùng vĩ của những đỉnh núi mây ngàn, những cánh rừng nguyên sinh. Đây là những thuận lợi cho phát triển các ngành kinh tế xanh như du lịch, sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển kinh tế lâm nghiệp và sản xuất tín chỉ carbon.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm đạt khoảng 9,7%/năm, thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp trên 70 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần so với năm 2004 (năm tách tỉnh).