Gỡ khó cho logistics, khơi luồng hàng hóa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

logistics ĐBSCL
08:00 - 03/12/2023
Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt nam 2023 tại Cần Thơ.
Toàn cảnh Diễn đàn Logistics Việt nam 2023 tại Cần Thơ.
0:00 / 0:00
0:00
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất lớn, nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành tại khu vực này còn nhiều hạn chế.

Logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển chưa xứng tầm

Bộ Công Thương vừa phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 "Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long" tại TP Cần Thơ ngày 2/12.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song ngành logistics đã làm tốt vai trò là mạch máu của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đạt 558,3 tỷ USD, với con số xuất siêu kỷ lục là 24,59 tỷ USD.

Việt Nam cũng lọt top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics được dự báo đạt mức 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu.

Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước.

"Mặc dù đây là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng" Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng

Do vậy, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 là không gian mở để các bộ, ngành cùng doanh nghiệp tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, diễn đàn cần tập trung phân tích, làm rõ thực trạng phát triển logistics năm 2023 của Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số trên phạm vi chung cả nước và phạm vi vùng ĐBSCL; tình hình thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics của Việt Nam.

Đồng thời, nhận diện, đánh giá làm rõ về thực trạng liên kết vùng trong phát triển logistics; việc triển khai xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn tại các đô thị theo chủ trương của Đảng và các đề án liên quan của cấp có thẩm quyền. Qua đó trao đổi về các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển logistics của các địa phương và các đề xuất kiến nghị với Trung ương, các ban, bộ ngành.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại diễn đàn.

"Trên cơ sở nhận diện bối cảnh mới tác động đến phát triển ngành logistics Việt Nam, cần đưa ra các đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển logistics tại Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số quốc gia", ông Trần Tuấn Anh nói.

Hạn chế về hạ tầng, chi phí quá cao

Nhận định về hệ thống logistics vùng ĐBSCL, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, toàn khu vực ĐBSCL có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% cả nước. Tuy nhiên, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp.

Theo ông Lê Quang Trung, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế ĐBSCL chính là hệ thống logistics (chi phí chiếm đến 30% giá thành), kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng.

“Hệ thống logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế. Hạ tầng giao thông kết nối vùng trồng còn hạn chế, thiếu trung tâm đầu mối nông sản - hệ sinh thái dịch vụ logistics nông sản. Phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao”.TS Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)

Đồng quan điểm, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, hoạt động phát triển logistics tại TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, về đường bộ, vẫn còn các tuyến cao tốc trục dọc, trục ngang và các tuyến đường tỉnh, đường trục chính đô thị quan trọng đang trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng. Về đường thủy nội địa, phần lớn các cảng, bến thủy nội địa có quy mô vừa và nhỏ, chưa có cảng tổng hợp hành khách, hàng hóa quy mô cấp vùng.

Đối với đường biển, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ, luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đạt mức nước độ sâu khai thác cho tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn.

Đặc biệt, hiện vùng chưa xây dựng được trung tâm logistics cảng biển, hàng không cấp vùng; một số bến xe khách trung tâm chưa có nhà đầu tư xây dựng và khai thác. Các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối TP Cần Thơ với vùng và quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Gỡ khó, khơi luồng hàng hóa cho vùng ĐBSCL

Với vai trò là đầu tàu vùng ĐBSCL, ông Trần Việt Trường cho biết, Cần Thơ dự kiến trình Chính phủ trong cuối năm 2023 quy hoạch thành phố, với kế hoạch lập ít nhất 3 khu vực phát triển logistics phục vụ chung cho vùng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn.

Cùng với đó, nâng cấp Cảng hàng không Cần Thơ lên công suất 7 triệu hành khách và 250.000 tấn hàng hóa một năm. Tiếp tục đầu tư 3 trụ cao tốc đi qua địa phương, trong khi đường thủy với 15 tuyến sẽ được nạo vét thường xuyên. Thủ phủ vùng ĐBSCL cũng sẽ xây một cảng thủy nội địa tổng hợp để gom hàng đưa đi TP HCM.

Đại diện VLA, ông Lê Quang Trung cho rằng cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn. Tăng cường vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ vận tải hàng không air cargo để tăng thời hạn sử dụng cho hàng nông thủy sản xuất khẩu.

Đồng thời, đầu tư hệ thống nhà kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu giữ kết hợp với đóng gói hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cần đánh giá tiềm năng, thế mạnh, lựa chọn đối tác, mô hình cho liên kết vùng. Xây dựng và phát triển mạng lưới cung ứng và dịch vụ logistics cho vùng ĐBSCL, nhằm kết nối vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhanh nhất, chi phí thấp hơn.

Theo ông Phạm Hải Anh, Phó tổng giám đốc Sowatco, Thành viên Sotrans Group thuộc Tập đoàn ITL, đầu tư các trung tâm logistics quy mô đòi hỏi vốn lớn. Vì vậy, giải pháp khả thi cho khu vực ĐBSCL là nên tận dụng hình thức vận chuyển sà lan và đầu tư các các cảng cạn (ICD) có bến sông khai thác sà lan, diện tích khoảng 10 ha, sản lượng 200.000 TEUs mỗi năm.

Các ICD này sẽ tập trung các hệ thống cơ bản cần thiết nhất, gồm kho lạnh chuyên dụng, máy soi chiếu, depot chứa containers rỗng. Theo ông Hải Anh, đặc trưng vùng là hàng thủy sản rất nhiều mà hầu như 90% phải nhập containers lạnh rỗng nên các ICD cần có ổ cắm điện, hệ thống PTI chuyên dụng cho containers lạnh.

Ông Phạm Hải Anh khuyến nghị, một số địa điểm ở Cần Thơ, Hậu Giang có thể phù hợp để đầu tư. Nếu triển khai được, mô hình này có thể giảm chi phí vận chuyển cho hàng hóa vùng ĐBSCL đến 50%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.