Google và Meta đối đầu với đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada

truyền thông canada
11:28 - 04/05/2023
Google và Meta đối đầu với đạo luật Tin tức trực tuyến của Canada
0:00 / 0:00
0:00
Theo Reuters ngày 4/5, Google và Meta sẽ ngăn chặn việc truy cập vào các bài báo ở Canada nếu đạo luật Tin tức trực tuyến (hay còn được gọi là C-18) buộc các công ty công nghệ này phải trả tiền cho các hãng tin được thông qua.

Dự luật C-18 yêu cầu những công ty công nghệ như Meta phải đàm phán với nhiều hãng tin tức Canada về việc trả phí cho nội dung các tin tức báo chí xuất hiện trên các nền tảng của mình. Đây được xem như một phần của xu hướng toàn cầu nhằm buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức.

Bà Laura Scaffidi, phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Pablo Rodriguez nói rằng: "Tất cả những gì chúng tôi yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook và Google làm là đàm phán các thoả thuận công bằng, hợp lý với các cơ quan truyền thông, tin tức và báo chí khi những nền tảng này thu lợi từ công việc của các tổ chức tin tức đó".

Về phía Google, ông Richard Gingras, Phó Chủ tịch phụ trách mảng tin tức của Google cho biết, công ty sẽ phải xoá các liên kết đến các bài báo được tìm thấy trong kết quả tìm kiếm của Canada nếu dự luật C-18 được thông qua.

Năm nay, Google đã thử nghiệm chặn quyền truy cập tin tức của một số người dùng Canada như một phản ứng dự phòng cho tương lai khi đạo luật được thông qua.

Tương tự với Meta phải ngừng cung cấp nội dung tin tức ở Canada, bà Rachel Curran, người đứng đầu bộ phận chính sách công của Meta tại Canada tiết lộ.

Năm 2022, Google đã thực hiện hơn 3,6 tỷ hoạt động liên kết tới các bài báo của nhiều tổ chức báo chí tại Canada. Còn đối với Facebook, các nguồn cấp dữ liệu trên ứng dụng này đã mang lại cho các nhà xuất bản tin tức của Canada hơn 1,9 tỷ lần "nhấp chuột" trong 12 tháng (tính đến tháng 4/2022).

Sự kết hợp này từng giúp các hãng tin và các công ty công nghệ cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, các nền tảng công nghệ và mạng xã hội đang "bóp nghẹt" nguồn thu nhập của các tổ chức tin tức và báo chí ngày một nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, bà Curran cho rằng: "Một khuôn khổ yêu cầu chúng tôi phải bồi thường cho các nhà xuất bản tin tức về các liên kết hoặc nội dung tin tức mà họ tự nguyện đưa lên nền tảng của chúng tôi là điều không khả thi".

Đề xuất của Canada tương tự như một đạo luật Thương lượng các nền tảng số và thông tin truyền thông (News Media Bargaining Code) của Australia vào năm 2021, buộc Google và Facebook phải trả tiền trực tiếp cho nhà xuất bản tin tức để hiển thị nội dung bài báo trên trang tìm kiếm.

Tháng 3/2022, một năm sau kể khi đạo luật có hiệu lực, Viện Judith Neilson, một tổ chức thiện nguyện gây quỹ cho các dự án truyền thông báo cáo, Google và Facebook đã trả cho các công ty truyền thông, tin tức và báo chí tại Australia hơn 136 triệu USD trong năm 2021.

Thời gian gần đây, độc giả thường xem tin tức miễn phí trực tuyến trên Facebook và Google thay vì trang báo chính thống. Điều này dẫn đến tình trạng các bài báo xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội có thể khiến lượt tương tác và thu nhập của các tổ chức tin tức, báo chí gặp khó khăn.

Nhiều quốc gia như Australia, New Zealand và Indonesia đang tìm cách yêu cầu các công ty công nghệ lớn trả tiền cho các cơ quan báo chí nếu muốn hiển thị, chia sẻ tin tức trên nền tảng xã hội của mình.

Tin liên quan

Đọc tiếp