Hà Nội đề xuất thu 1.900 đồng/km phí sử dụng đường Vành đai 4

Hạ Tầng HÀ NỘI
11:17 - 25/09/2023
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 trong tương lai.
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4 trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Hà Nội đề xuất mức thu phí sử dụng 1.900 đồng cho mỗi km đường Vành đai 4 thực hiện theo hình thức PPP. Mức giá này sẽ giúp giảm áp lực đầu tư cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cắt giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng ước tính khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo bổ sung HĐND thành phố về việc ý kiến tác động thực hiện Dự án thành phần 3 (PPP) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Cụ thể, sau khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đánh giá tính khả thi khi triển khai theo hình thức PPP, dự án thành phần 3 được phê duyệt, việc lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới.

Trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP sẽ có một số lợi thế so với hình thức khác.

Nếu áp dụng hình thức này, UBND TP Hà Nội cho rằng, sẽ huy động được nguồn lực từ xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách Nhà nước đối với công trình có quy mô lớn như Dự án thành phần 3. Bên cạnh đó còn giảm đáng kể nguồn ngân sách Nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Theo tính toán, chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc hiện nay trung bình khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Chỉ tính riêng 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách Nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng. Đặc biệt, số tiền này chưa bao gồm các chi phí để thành lập, duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.

Bên cạnh đó, đây là dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng để đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. Vì vậy, khung phí sử dụng dịch vụ đường bộ của Dự án tham chiếu áp dụng theo khung giá vé của dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thức hợp đồng BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn). Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần với mức giá vé tính cho xe tiêu chuẩn, phù hợp theo khung giá được quy định tại Thông tư 35/2016 của Bộ Giao thông Vận tải.

Bản đồ hướng tuyến của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Bản đồ hướng tuyến của dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

UBND TP Hà Nội cho biết, tính theo khung giá này sẽ đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Mặt khác, mức thu phí này phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.

Đáng chú ý, cũng tại báo cáo bổ sung gửi HĐND thành phố, UBND TP Hà Nội cho biết sẽ thiết kế 5 nút liên thông hoàn chỉnh bao gồm Nội Bài - Lào Cai; Trục Mê Linh, Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 6; Ngọc Hồi - Phú Xuyên; Ba nút giao quy hoạch (Quốc lộ 32; Hồ Tây - Ba Vì; Ngọc Hồi - Phú Xuyên). Đồng thời, có giải pháp thiết kế bố trí các làn tách, nhập vào đường cao tốc cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn, thuận tiện.

Về quy mô các cầu lớn qua sông (cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Hoài Thượng), hồ sơ thiết kế báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã điều chỉnh quy mô mặt cắt ngang các cầu từ 17,5m lên 24,5m để bố trí đủ cho 4 làn xe cơ giới và mỗi bên 1 làn xe máy, xe thô sơ lưu thông, đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông, phù hợp tổng thể dự án.

Sau khi thi công giai đoạn 2 với cầu có mặt cắt ngang tương tự thì mỗi bên sẽ bố trí được 2 làn xe cơ giới riêng biệt cho kết nối đường đô thị. Do đó, thành phố sẽ không phải đầu tư thêm 2 cầu vượt sông cho đường đô thị, giúp tiết kiệm chi phí và không ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án PPP đã duyệt.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); Được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần và có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến cơ bản sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

TP Hà Nội là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần.

Trong đó, dự án thành phần 3 là đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 113,52 km (Hà Nội: 57,95 km; Hưng Yên: 19,31 km; Bắc Ninh: 36,26 km, trong đó 26,56 km đường Vành đai 4 và tuyến nối 9,7 km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 4 làn xe (từ 17 - 17,5 m).

Tin liên quan

Đọc tiếp