Hải Phòng dẫn đầu các thành phố trực thuộc Trung ương về tăng trưởng GRDP

KINH TẾ hải phòng
11:04 - 05/04/2024
TP Hải Phòng. Ảnh: Haiphong.gov.
TP Hải Phòng. Ảnh: Haiphong.gov.
0:00 / 0:00
0:00
Quý 1/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng ước tăng 9,32%, gấp 1,65 lần mức bình quân chung cả nước, đứng đầu trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 7 cả nước.

Thông tin về tình hình kinh tế xã hội quý 1/2024, tại Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 15 ngày 4/4, UBND TP cho biết so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố (IIP) tăng 12,59%; thu ngân sách Nhà nước đạt 32.864 tỷ đồng, tăng 36,69%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 38.159 tỷ đồng, tăng 8,13%, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,74 tỷ USD, tăng 18,45%.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 35,75 triệu tấn, tăng 7,96% so với quý 1/2023; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đạt 253,35 triệu USD, bằng 54,48% so với cùng kỳ; số lượng khách du lịch đạt 1,6 triệu lượt, tăng 10,92% yoy.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố tính đến hết ngày 20/3/2024 ước đạt 2.482 tỷ đồng, bằng 14,5% kế hoạch Thủ tướng giao năm 2024.

Cũng trong quý 1/2024, thành phố đã hoàn thành, công bố Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về hạ tầng, giao thông; văn hóa, xã hội có nhiều hoạt động nổi bật.

Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 15. Ảnh: Haiphong.gov.

Hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 15. Ảnh: Haiphong.gov.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu chưa bám sát tiến độ kế hoạch đề ra như: tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, số lượng khách du lịch và chỉ tiêu sản lượng hàng qua cảng.

Tiến độ thực hiện của một số dự án quan trọng còn chậm; tiến độ triển khai các dự án thành phần thuộc chương trình công viên, vườn hoa, cây xanh chưa đáp ứng được yêu cầu của thành phố. Giải ngân vốn đầu tư công giảm so với cùng kỳ.

Xác định nhiệm vụ của những quý tiếp theo, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng, UBND thành phố cụ thể hóa chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng hợp tác với các doanh nghiệp FDI trong các ngành, lĩnh vực chế biến, chế tạo công nghệ cao, điện - điện tử, chip - chất bán dẫn, logistics... để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa phát triển, nhằm cân bằng cán cân nguồn thu từ doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ban Cán sự Đảng, UBND thành phố ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ đưa huyện Thủy Nguyên trở thành thành phố trực thuộc thành phố, huyện An Dương đạt tiêu chí thành lập quận; thực hiện hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo đúng kế hoạch.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Haiphong.gov.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Haiphong.gov.

Các sở, ngành tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như: Quy hoạch sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, luồng Văn Úc; nghiên cứu khả thi, chuẩn bị cho dự án cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2; thành lập Khu kinh tế phía Nam; dự án chủ trương đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu; hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc ven biển qua địa bàn Hải Phòng...

Trong lĩnh vực du lịch, Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện Đề án Tổng thể phát triển du lịch thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.