Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: MPI |
"Công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng. Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương," Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội thảo.
Đến nay, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt hoặc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, một quy hoạch vùng, đang hoàn thiện trình 5 quy hoạch vùng. Đặc biệt, đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 50/63 quy hoạch tỉnh.
Hiện còn 4 địa phương chưa hoàn thành thẩm định quy hoạch, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên, riêng với Hà Nội và TP HCM là hai thành phố lớn, quan trọng của cả nước, việc lập quy hoạch rất phức tạp, đòi hỏi phải làm kỹ lưỡng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.
Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, TP Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô.
Nội dung quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021- 2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng.
5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian
Đại diện đơn vị tư vấn trình bày dự thảo quy hoạch, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đưa ra 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, thứ nhất, phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo, bao trùm, trở thành cực tăng trưởng có vai trò lan toả và dẫn dắt, thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng động lực phía Bắc, là hình mẫu lan toả cho phát triển cả nước.
Thứ hai, phát huy nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, động lực và mục tiêu của phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác tiềm năng nguồn lực văn hoá di sản thành động lực phát triển bền vững, Thủ đô văn hiến, thanh lịch.
Thứ ba, phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng. Tôn trọng, kế thừa có chọn lọc các quy hoạch và thực tế phát triển của mỗi giai đoạn lịch sử. Đổi mới để theo kịp các xu thế phát triển tiên tiến, văn minh, hiện đại và hiệu quả.
Thứ tư, phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, kết hợp khai thác hợp lý, có hiệu quả những lợi thế đặc thù của thiên nhiên thành các nguồn lực phát triển bền vững trên nguyên tắc thuận thiên và tuân thủ các quy luật thị trường.
Thứ năm, gắn các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, an toàn tuyệt đối của Thủ đô; mở rộng các hoạt động đối ngoại, tạo lập hình ảnh Thủ đô thanh bình và thân thiện, Thành phố toàn cầu.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: Không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: MPI |
Về tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến châu Á. GRDP bình quân từ 45.000-46.000 USD/người, tỷ lệ đô thị hóa từ 80-85%.
Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Trong đó, ở kịch bản 1 - kịch bản thuận lợi, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ đạt 9,5-10,0%; kịch bản 2 - kịch bản nỗ lực tăng trưởng đạt 8,5-9,5%; kịch bản 3 - kịch bản cơ sở GRDP Hà Nội sẽ đạt 7,5-8,5%.