Nhãn được đánh giá là một trong những sản phẩm chủ đạo của ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Khoái Châu nói riêng. Mặt hàng trái cây này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn lưu giữ văn hóa, truyền thống của người dân nơi đây.
Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn cũng như loại nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương, ngày 25/8, UBND huyện Khoái Châu tổ chức “Hội chợ Xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản huyện Khoái Châu năm 2022, đồng thời quảng bá các di tích, lịch sử văn hóa, tiềm năng du lịch của huyện cũng như các lợi thế thu hút đầu tư của mình.
Hội chợ với quy mô khoảng 50 gian hàng được tổ chức tại đền Đa Hòa, xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, thu hút gần 300 đại biểu tham gia giao thương, xúc tiến thương mại. Ngoài đặc sản nhãn lồng, hội chợ còn giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước hàng chục các sản phẩm nông đặc sản đặc trưng của vùng đất Phố Hiến như nghệ, tinh bột nghệ; chuối; gà Đông Tảo, các sản phẩm đồ gỗ, mỹ nghệ…
Các gian hàng trưng bày tại hội chợ. Ảnh: Phùng Nguyện |
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) Phạm Xuân Thắng nhận định, sản xuất nông nghiệp nói chung và nhãn nói riêng của Khoái Châu nhiều năm qua đã có sự phát triển mạnh và tương đối toàn diện.
Hiện toàn huyện có 930 ha diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó nhãn đạt 592 ha, tương ứng chiếm 63% tổng diện tích đạt chuẩn VietGAP của Khoái Châu. Ngoài ra, huyện còn có 4 vùng sản xuất được cấp số mã vùng trồng xuất khẩu theo tiêu chuẩn OTAS, 21 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 và 4 sao.
Tại buổi lễ cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giao thương, tiêu thụ nhãn năm 2022 giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, chủ trang trại, nhà vườn. “Lễ ký kết diễn ra nhờ sự nỗ lực không ngừng của các nhà vườn, cấp ủy chính quyền của huyện Khoái Châu. Phía Sở Công Thương cũng đã kết nối với một số siêu thị và một số trung tâm phân phối lớn”, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ chia sẻ .
Đánh giá về tình hình sản xuất và tiêu thụ nhãn thời gian qua, ông Nguyễn Văn Thơ nhận định, các nhà vườn, hợp tác xã đã chủ động đưa các mặt hàng lên các sàn thương mại điện tử. Người sản xuất cũng bắt đầu chú trọng đến chất lượng sản phẩm và không ngừng cải tiến mẫu mã, bao bì. Từ đó, mặt hàng nhãn đã được thúc đẩy đưa vào chuỗi siêu thị trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Mặt hàng nhãn Khoái Châu nói riêng và tỉnh Hưng Yên nói chung đã bắt đầu tiếp cận các thị trường mới tại châu Âu, trong đó mới đây nhất là thị trường Pháp.
Ở chiều ngược lại, các hợp tác xã cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của địa phương trong việc tiêu thụ nhãn. Đại diện hợp tác xã Nhãn Miền Thiết (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) Nguyễn Văn Thế cho biết, những năm qua phía chính quyền đã có những hỗ trợ thiết thực đối với người sản xuất, bao gồm hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ nguyên liệu sản xuất...
Chia sẻ rõ hơn với Mekong ASEAN về định hướng phát triển nhãn thời gian tới đối với tỉnh Hưng Yên nói chung và huyện Khoái Châu nói riêng, Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết, đối với nhãn nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung, Sở NN&PTNT đang tham mưu với UBND tỉnh 28 đề án trong tất cả các lĩnh vực, để sản xuất theo hướng VietGAP cũng như hữu cơ.
Ngoài phương án VietGAP, ông Tuân cho biết tỉnh Hưng Yên còn đang xây dựng đề án sản xuất hữu cơ triển khai trên tất cả lĩnh vực, trong đó mặt hàng nhãn được triển khai tại huyện Khoái Châu, huyện Phù Cừ và TP Hưng Yên.
Về vấn đề các tỉnh, thành khác cũng đang ngày phát triển cây nhãn, ông Tuân cho biết, Hưng Yên đang xây dựng đề án trong việc bảo tồn duy trì các gen nhãn quý, qua đó đảm bảo luôn giữ được chất lượng cũng như hương vị, thương hiệu của nhãn..
“Phía Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ bảo tồn 45 gen nhãn quý và các nông sản hoa quả khác. Để bảo tồn, chúng tôi đã tiến hành xây dựng đề án duy trì và phát triển các gen nhãn thông qua các đề án cải tạo nhãn thoái hóa, duy trì giống nhãn tốt, đảm bảo long nhãn luôn luôn giữ được chất lượng cũng như hình thức, mẫu mã, thương hiệu”, ông Tuân nói thêm.
Trong khi đó, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên Nguyễn Văn Thơ nhận định, ngay từ tháng 10/2021, Sở đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nhãn. Hiện Sở tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng sản phẩm, tập huấn người sản xuất với phương châm “cầm tay chỉ việc”, bao gồm trong việc tiêu thụ nhãn qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Sở Công Thương cũng đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), các sàn thương mại điện tử… mở lớp tập huấn nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng phối hợp với các Sở NN&PTNT và Sở KH&CN để tập huấn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đối với xúc tiến sang các thị trường nước ngoài, ngày 24/8 vừa qua, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị trực tuyến, thúc đẩy nhãn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ngoài vấn đề bảo tồn nguồn gene gốc và xúc tiến tiêu thụ nhãn, Hưng Yên còn chú trọng đến ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ông Trần Tùng Chuẩn – Giám đốc Sở KH&CN Hưng Yên cho biết, hiện nay mặt hàng nhãn chế biến của tỉnh đang được ứng dụng công nghệ sấy tiên tiến nhằm giữ hương vị và màu sắc của long nhãn.
Đồng thời, địa phương cũng đang cải tiến phương pháp sấy truyền thống - sấy sử dụng nhiệt gián tiếp – thông qua hệ thống cung cấp hơi để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm.
Cùng với nhãn tươi và nhãn quả, Hưng Yên hiện còn có thêm hai sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ trí tuệ, bao gồm long nhãn và mật hoa nhãn. Thông qua đó, đảm bảo chất lượng để có thể xâm nhập các thị trường khó tính.
Nói rõ hơn về phát triển nông nghiệp tuần hoàn, ông Chuẩn cho biết thời gian tới Sở sẽ cùng các ngành, các cấp đưa yếu tố khoa học và công nghệ vào trong thâm canh, từ quá trình trồng trọt đến quá trình bảo quản, thu hoạch, chế biến sâu.
“Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ chế biến nhãn tươi thành các dịch chất để dùng cho ngành công nghiệp đồ uống bằng các phương pháp tách vỏ, bỏ hạt, sử dụng cùi cô đặc làm dịch chất phục vụ ngành công nghiệp đồ uống và hương liệu”, ông Chuẩn nhấn mạnh.