Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2021 vẫn có được mức tăng trưởng 2 con số bất chấp tình hình dịch bệnh nhờ giá cà phê tăng cao. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,52 triệu tấn, đạt khoảng 3 tỷ USD, tuy giảm 2,7% về lượng nhưng tăng 9,4% về giá.
Đặc biệt, tháng 12/2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.344 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 6/2017, tăng 4,3% so với tháng 11/2021 và tăng 28,7% so với tháng 12/2020. Nhờ vậy, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam năm 2021 ước đạt mức 1.969 USD/tấn, tăng 12,4% so với năm 2020.
Về khu vực xuất khẩu, năm 2021, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các khu vực tăng so với năm 2020, ngoại trừ châu Đại Dương. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang châu Á tăng tới 22,8%, nâng tỷ trọng cà phê Việt Nam tại khu vực này lên 41,54%, tăng 3,52 điểm phần trăm so với năm ngoái.
Đồng thời, tốc độ xuất khẩu cà phê sang châu Âu cũng tăng 6,5%, nhưng tỷ trọng xuất khẩu lại giảm 2,32 điểm phần trăm xuống còn 42,24% trong năm 2021.
Bên cạnh đó, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang một số thị trường tăng so với năm 2020 như: Đức, Nhật Bản, Nga. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà phê sang các thị trường chính như Mỹ, Tây Ban Nha, Ý lại giảm, làm thay đổi cơ cấu các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Nếu chia theo chủng loại cà phê xuất khẩu, thì năm 2021 trị giá xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê tăng so với năm 2020, ngoại trừ cà phê Excelsa giảm 14,4%. Cơ cấu chủng loại cũng có sự chuyển dịch, trong đó, tốc độ xuất khẩu cà phê Arabica tăng 19,9%, tỷ trọng xuất khẩu tăng nhẹ lên 5,62%. Tuy nhiên, cà phê Robusta vẫn là chủng loại xuất khẩu chủ yếu, tỷ trọng chiếm 75,12%, trị giá 2,32 tỷ USD.
Vẫn còn nhiều dư địa tại các thị trường lớn trên thế giới
Theo số liệu từ ITC, cà phê Việt nam xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đức, Pháp năm ngoái giảm trong khi thị trường Ý tăng nhẹ, còn thị Canada đột phá tăng tới 44,9%. Nhìn chung, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của các thị trường Mỹ, Đức, Pháp, Canada vẫn ở mức thấp.
Trong năm tới, với lợi thế là đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng, và còn nhiều dư địa phát triển tại 5 thị trường lớn nhất trên thế giới là Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Canada.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành cà phê cần chú trọng đến khâu truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực sản xuất.
Theo các chuyên gia, cơ cấu xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng cần có sự thay đổi, giảm xuất khẩu cà phê nhân thô, đẩy mạnh khâu chế biến và xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan. Hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được chú trọng, giúp quảng bá và kết nối sản phẩm cà phê của Việt Nam ra thị trường thế giới.
Dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục khả quan nhờ nguồn cung dồi dào, các FTA tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam và giá xuất khẩu nhiều khả năng duy trì ở mức cao. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, niên vụ 2021/2022, sản lượng cà phê của Việt Nam dự báo đạt 31,1 triệu bao, năng suất tăng nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), niên vụ 2020/2021, khoảng 167,3 triệu bao cà phê được tiêu thụ trên toàn cầu, tăng so với 164,1 triệu bao niên vụ 2019/2020. Còn theo báo cáo nghiên cứu thị trường, giai đoạn 2021 – 2025, thị trường cà phê toàn cầu tăng trưởng bình quân 7,6%.
Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tại 5 thị trường cà phê lớn nhất thế giới. Ảnh: tapchicongthuong.vn |
Các yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển như gia tăng dân số tiêu thụ cà phê ngoài gia đình, đô thị hóa nhanh chóng, tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, tăng thu nhập thế hệ Z, tăng sở thích cà phê hòa tan, nhu cầu ngày càng tăng đối với cà phê đặc sản và tăng tiêu thụ cà phê nhân ở các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường.
Dù giá cà phê Robusta năm 2021 đã tăng trưởng rất nhiều cả thị trường trong nước lẫn ngoài nước do sản lượng giảm sút, lượng cà phê dư thừa cũng thấp hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, sang tháng 1/2022, giá cà phê có xu hướng giảm so với cuối năm trước, giảm từ 1.200-1.300 đồng/kg, với mức giá khoảng 40.000 đồng/kg tại các vùng trồng trên cả nước.