Ảnh minh họa |
Theo Tổng cục Nông nghiệp, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia (MAFF), diện tích trồng sắn ở Campuchia là khoảng 700.000 ha. Sản lượng trung bình đạt khoảng 10 triệu tấn sắn tươi mỗi năm.
Trao đổi với tờ Khmer Times, Chủ tịch Hiệp hội nông dân trồng sắn (CFA) El Chhinh cho biết, động lực thúc đẩy xuất khẩu sắn tươi của Campuchia là do sản lượng cao và nhu cầu quốc tế tăng mạnh, chiếm tới 70 - 80% trong tổng sản lượng 10 triệu tấn mỗi năm. Phần lớn sắn của Campuchia được xuất khẩu sang Thái Lan và Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu sắn khô của Campuchia chỉ đạt hơn 860.000 tấn, giảm 12,54% so với cùng kỳ năm trước. Về sự sụt giảm này, ông El Chhinh chia sẻ, giá sắn khô cao và ổn định, dao động từ 660 đến 750 riel Campuchia một kg, trong khi sắn tươi có giá cả thấp hơn nhiều, dao động từ 220 đến 400 riel một kg.
Ông cho biết thêm, Campuchia chủ yếu chỉ xuất khẩu sắn dưới dạng nguyên liệu thô, hiệu quả kinh tế thấp. “Tôi muốn thấy nhiều nhà máy chế biến sắn hơn ở trong nước để chúng ta có thể chế biến sắn thành phẩm trước khi xuất khẩu," ông El Chhinh bày tỏ.
Nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn, tháng 1/2021, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã ban hành Chính sách sắn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025 nhằm mục đích biến Campuchia trở thành quốc gia sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm sắn chất lượng cao, phục vụ nhu cầu thị trường thế giới. Tuy nhiên đến nay, nước này mới có khoảng 12 nhà máy chế biến sắn, trong đó chỉ có khoảng 4 - 5 nhà máy đang hoạt động.