Các diễn giả tham gia Phiên thảo luận "Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng". Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Tại phiên thảo luận "Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng" trong khuôn khổ Hội nghị, bà Zaidah binti Mohd Nor - Phó Vụ trưởng, Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển thị trường Halal như có nền sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới, có ngành mỹ phẩm đang phát triển, từng bước tìm hiểu nguyên liệu tự nhiên được sử dụng trong sản phẩm đạt chuẩn Halal.
Ông Zafer Gedikli – Chủ tịch Hội đồng Halal Thế giới, cũng đồng quan điểm trên khi đánh giá Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo, nếu như nhận thức về sản phẩm Halal được nâng cao và các cơ sở vật chất phục vụ cho người Hồi giáo trong khách sạn và nhà hàng được triển khai rộng rãi ở Việt Nam.
‘Đưa Việt Nam thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng Halal’ Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về mục tiêu phát triển ngành Halal của Việt Nam tại Hội nghị Halal toàn quốc, diễn ra chiều ngày 22/10. |
Tuy nhiên, dù có nhiều ưu thế trong phát triển ngành Halal nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức trong lĩnh vực này. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal tốn nhiều chi phí. Ông Sơn cho rằng, đây là vấn đề quan ngại nhất, vì phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực và khả năng còn hạn chế. Chính vì vậy, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được chứng nhận Halal còn khá khiêm tốn so với quy mô doanh nghiệp toàn tỉnh.
Mặt khác, doanh nghiệp của Bến Tre còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường Hồi giáo, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal, điều này khiến sản phẩm của doanh nghiệp chưa đáp ứng tiêu chuẩn thị trường.
Trong khi đó, một thách thức khác với các doanh nghiệp là hiện nay cũng chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên thế giới; có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất.
Là chuyên gia trong lĩnh vực Halal, ông Zafer Gedikli cho biết thêm rằng, rào cản lớn nhất đối với việc mở rộng thị trường Halal của Việt Nam là sự thiếu hiểu biết về yêu cầu của Halal và tình hình thị trường trong giới doanh nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chưa quen thuộc với các khía cạnh khác nhau của việc tuân thủ Halal, từ việc tìm nguồn nguyên liệu đến quy trình chế biến và đóng gói.
Do đó, vị chuyên gia này khuyến nghị, doanh nghiệp trước hết phải đào tạo nhân viên và tăng cường khả năng kết nối với khách hàng nhằm tăng cường nhận thức về ngành Halal.
“Lấy ví dụ đơn giản, ở Việt Nam, việc thêm một vài giọt rượu vào nước sốt khi đi ăn nhà hàng là điều hoàn toàn bình thường, song lại là điều không được phép đối với người Hồi giáo. Tín đồ Hồi giáo ăn thịt bò, thịt gà và thịt cừu, nhưng tất cả các loại động vật này đều phải được giết mổ theo nghi lễ của người Hồi giáo,” ông Zafer Gedikli chia sẻ.
Hội nghị Halal toàn quốc có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng hơn 600 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 50 nước, các tổ chức khu vực, quốc tế. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Cơ hội phát triển rộng mở
Trong khi đó, là quốc gia Hồi giáo với dân số theo đạo Hồi chiếm hơn 50%, bà Zaidah binti Mohd Nor cho rằng, Việt Nam và Malaysia có thể hợp tác để phát triển ngành Halal tại Việt Nam. Hai bên có thể hợp tác trong phát triển, sản xuất và phân phối các sản phẩm Halal; chia sẻ kiến thức và chuyên môn trong sản xuất Halal, kiểm soát chất lượng và cấp chứng nhận Halal.
Hai bên cũng có thể hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Halal Malaysia và quảng bá sản phẩm của họ; hợp tác thực hiện các dự án nghiên cứu để phát triển sản phẩm và công nghệ Halal mới.
Thời gian qua, các địa phương Việt Nam cũng đang ngày càng đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia Hồi giáo trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, tháng 9/2023 được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Arab Saudi, thống nhất tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm Halal của tỉnh đến các quốc gia Hồi giáo.
Tỉnh Bến Tre cũng đã gửi mẫu sản phẩm thông qua kênh ngoại giao để hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Cơ quan đại diện của Việt Nam ở một số quốc gia. Bước đầu, sản phẩm được các đối tác chú ý, trao đổi thông tin để tiến hành xúc tiến thương mại.
Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương đẩy mạnh tuyên truyền thông tin cơ bản về Halal, hỗ trợ doanh nghiệp mời chuyên gia về Halal tư vấn các quy chuẩn, quy trình.
Tỉnh Bến Tre cũng đang đẩy mạnh triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký kết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal, cùng với đó là việc đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal...
Chứng chỉ Halal - giấy thông hành đặc biệt cho doanh nghiệp xuất khẩu Trong bối cảnh các thị trường trọng điểm của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, khu vực tiêu thụ thực phẩm Halal đang nổi lên là một thị trường có tiềm năng mở ra không gian tăng trưởng mới cho kim ngạch xuất khẩu. |