Ảnh: CTCP Dược phẩm Imexpharm |
Ngày 10/4, Bộ Y tế đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của CTCP Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP). Ngay sau đó, ngày 11/4, Imexpharm đã có văn bản gửi đến khách hàng và đối tác về việc này.
Theo giải thích của Imexpharm, hiện nay, IMP có vốn đầu tư nước ngoài trên 50% nên không còn quyền phân phối như mua nguyên liệu, thành phẩm của cơ sở khác để bán. Công ty cũng chưa từng có hoạt động nhập khẩu thuốc, nguyên liệu về phân phối.
Bên cạnh đó, giấy chứng nhận bị thu hồi là trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty là sản xuất thuốc, với sản phẩm là thuốc không vô trùng gồm viên nang cứng/mềm, thuốc uống dạng lỏng, viên nén, và các dạng bào chế rắn khác (thuốc bột, thuốc cốm).
Imexpharm là một trong những doanh nghiệp sản xuất thuốc tân dược trong nước với lợi thế cạnh tranh đến từ việc sớm đầu tư vào các nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP. IMP cũng là doanh nghiệp niêm yết nội địa duy nhất đạt tiêu chuẩn này (theo công bố của GMPC Việt Nam ngày 13/9/2022).
Việc đạt tiêu chuẩn này đã giúp Imexpharm có thể tham gia đấu thầu các phân khúc thuốc nhóm 1 và nhóm 2, có biên lợi nhuận cao, nhưng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, đang chủ yếu nằm trong tay các hãng dược phẩm nước ngoài.
Về tình hình kinh doanh năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.267 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, lợi nhuận gộp về bán hàng đạt 697 tỷ đồng, tăng 43%. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động tài chính lại ghi nhận mức âm gần 6 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế của Imexpharm đạt gần 224 tỷ đồng, tăng gần 19%.
Sang năm 2023, đánh giá tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng ngành dược có vài điểm sáng khi nhờ Nghị định 7/NĐ-CP, Nghị quyết 30/NQ-CP, cũng với sự mở rộng mạng lưới các chuỗi nhà thuốc hiện đại đã cho thấy sự phục hồi của mảng OTC trong thời gian tới. Ngoài ra, việc khơi thông dòng sản phẩm thuốc gốc và generics , những nút thắt dần được tháo gỡ cho thấy tiềm năng ngành Dược có sự tăng trưởng ổn định.
Với những nhận định trên Imexpharm đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1%.
Trong dài hạn, công ty hướng tới doanh thu thuần năm 2027 cán mốc 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 640 tỷ đồng, với mức tăng trưởng kép hàng năm đạt 16,3%.
Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Quảng Khánh - Đồng Tháp với tổng vốn đầu tư đến 2027 dự tính hơn 2.000 tỷ đồng, nguồn vốn tài trợ dự kiến từ nguồn vốn tự có, bổ sung thêm bằng các nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng và vốn vay.