Indonesia công bố thỏa thuận môi trường trị giá 20 tỷ USD với các quốc gia giàu có như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Ảnh: Reuters |
Đây là một phần của thỏa thuận tài chính trị giá 20 tỷ USD liên quan tới vấn đề khí hậu mà các quốc gia phát triển như Mỹ và Nhật Bản cam kết với Indonesia, một trong những nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới để chuyển đổi xanh sang năng lượng tái tạo. Trước khi được công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 đang diễn ra tại Bali, các quốc gia liên quan đã đàm phán với nhau từ hơn 1 năm trước đó.
Theo New York Times, cam kết 20 tỷ USD với Indonesia lần này gần như tuân theo các ý chính của một thỏa thuận từ năm 2021. Indonesia đã cam kết hạn chế lượng khí thải carbon dioxide từ ngành điện của mình xuống mức 290 triệu tấn vào năm 2030 như một phần của thỏa thuận. Điều này đồng nghĩa với việc nước này sẽ đạt đỉnh phát thải sớm hơn 7 năm so với dự kiến và hạn chế sử dụng than.
Ngoài ra, nước này cũng cần đạt được mục tiêu tạo ra 34% điện năng từ các nguồn tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời từ mức 11% hiện tại.
Trước cam kết này, Indonesia tạo ra 60% điện năng từ than đá và là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn thứ 9 thế giới vào năm 2021. Công ty điện lực do nhà nước điều hành cũng đang có kế hoạch xây dựng hơn 13 gigawatt công suất điện than mới để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển nhanh của quốc gia và cung cấp điện cho hàng triệu người dân không có điều kiện tiếp cận năng lượng.
Theo cam kết, các quốc gia giàu có sẽ cung cấp các khoản vay, trợ cấp và đầu tư tư nhân cho Indonesia. Trước mắt, khoảng 10 tỷ USD sẽ đến từ chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Canada và một số nước châu Âu bao gồm Anh, Pháp và Đức. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, 10 tỷ USD khác dự kiến sẽ đến từ các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm các ngân hàng như Bank of America và Citibank.
Trong một tuyên bố, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden, ông John Kerry nhận định: “Ở mỗi bước đi, Indonesia đều truyền đạt tầm quan trọng của việc xây dựng một nền kinh tế sạch phục vụ người dân Indonesia và thu hút đầu tư. Cùng với nhau, chúng ta có một tầm nhìn chung và sẽ sát cánh bên nhau để làm việc không mệt mỏi vì mục tiêu đó”.
Thỏa thuận này thể hiện tham vọng của các quốc gia phát triển trong việc thuyết phục các quốc gia đang phát triển từ bỏ nguồn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn tồn tại những câu hỏi về cách mà thỏa thuận này sẽ được tiến hành. Theo ông Andri Prasetiyo, một nhà nghiên cứu tại Trend Asia, ông lo lắng rằng phần lớn thỏa thuận có thể bao gồm các khoản vay thay vì các khoản trợ cấp và tài trợ với các điều khoản thuận lợi. Điều này có thể khiến Indonesia mắc nợ nhiều hơn.
Ngoài vấn đề này, ông cũng nhận định Indonesia cần hỗ trợ lớn trong việc sửa đổi các chính sách hiện tại – nhưng chính sách không tạo điều kiện cho việc bổ sung thêm năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia.
Do đó trong 3 - 6 tháng tới, Indonesia, Mỹ cùng các đối tác khác đặt mục tiêu hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận, trong đó bao gồm cơ cấu tài chính cũng như những loại thay đổi chính sách mà Indonesia sẽ cần thực hiện. Các thay đổi có thể bao gồm việc cho phép cải cách các dự án năng lượng tái tạo cũng như các chính sách mua sắm mới.
Vấn đề hỗ trợ tài chính cho các cam kết môi trường gần đây cũng trở thành tâm điểm tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu COP27 tại Ai Cập. Các nước đang phát triển đưa ra lập luận họ cần hàng trăm tỷ USD mỗi năm để giúp chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và phục hồi sau thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra. Tuy nhiên cho đến nay, các quốc gia giàu có vẫn chưa thể thực hiện cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm đã cam kết từ lâu.
Nhận định về tình hình hiện tại, chuyên gia về quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch tại E3G Camilla Fenning cho biết nếu các thỏa thuận về than ở Indonesia thành công, nó có thể trở thành hình mẫu cho phần còn lại của thế giới. Dù việc thỏa thuận với từng quốc gia sẽ rất tốn kém thời gian, nó có thể cung cấp một khuôn mẫu cho các chương trình quy mô lớn hơn.