Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Thủ tướng Ireland Simon Harris. Ảnh: Reuters |
Cùng với Tây Ban Nha, Ireland là những quốc gia đã đấu tranh lâu dài cho quyền của người Palestine, Hồi tháng 3 trước đây, hai nước này đã cùng đưa ra tuyên bố chung với Malta và Slovenia về việc cùng hợp tác hướng tới việc công nhận Nhà nước Palestine.
Phát biểu sau cuộc gặp mặt với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tới thăm Dublin kể từ khi Ireland có thủ tướng mới, Reuters dẫn lời ông Simon Harris cho biết: “Tối nay, đánh giá của chúng tôi cho rằng thời điểm trên đang đến ngày càng gần hơn và chúng tôi muốn cùng nhau thực hiện điều đó”.
Ông bổ sung thêm: "Khi tiến về phía trước, chúng tôi muốn càng nhiều người làm điều tương tự càng tốt để tạo sức nặng cho quyết định và gửi đi thông điệp mạnh mẽ nhất. Người dân Israel xứng đáng có được một tương lai an toàn và hòa bình, người dân Palestine cũng vậy, dựa trên tôn trọng chủ quyền và tôn trọng bình đẳng”.
Ông Harris cũng nhấn mạnh rằng Dublin sẽ tiếp tục thảo luận với các quốc gia có cùng quan điểm khác ở châu Âu và xa hơn nữa, bao gồm cả cuộc họp của các nhà lãnh đạo EU vào tuần tới. Trước đó hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin cho biết ông đang chuẩn bị đưa ra đề xuất chính thức lên chính phủ về việc công nhận một Nhà nước Palestine.
Về phía Tây Ban Nha, cuộc gặp với Thủ tướng Ireland là một phần trong kế hoạch của Thủ tướng Sanchez nhằm cố gắng thu hút sự ủng hộ của các đối tác EU đối với việc công nhận Nhà nước Palestine. Sau cuộc gặp ở Oslo với người đồng cấp Na Uy Jonas Gahr Store trước đó trong cùng ngày, ông Sanchez cho biết có "dấu hiệu rõ ràng" rằng các nước trong khu vực này đã sẵn sàng công nhận này.
Kể từ năm 1988, 139 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã công nhận Nhà nước Palestine. Ngoài các quốc gia châu Âu trên, chính phủ Nga đã từng bày tỏ sự ủng hộ với việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập như một giải pháp lâu dài cho xung đột tại Gaza.
Phát biểu tại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga ngày 13/12/2023, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh rằng Moscow "sẽ không đồng ý với các thỏa thuận giải quyết tình hình ở Trung Đông vi phạm an ninh của Israel và không liên quan đến việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập".
Nhà ngoại giao Nga cho biết cuộc khủng hoảng trong khu vực này chỉ có thể được giải quyết nếu một nước Palestine "thống nhất và độc lập" được thành lập, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này có nghĩa là Palestine phải có đường biên giới tương tự như năm 1967 và cùng tồn tại với Israel "trong hòa bình, an ninh và quan hệ láng giềng tốt đẹp".
Chính phủ Mỹ cũng ủng hộ giải pháp trên như một phương án giải quyết xung đột bền vững. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật tính "cấp bách" phải xúc tiến thành lập một Nhà nước Palestine để bảo đảm an ninh cho Israel và đây là "cơ hội đặc biệt" để Israel hội nhập với các quốc gia Arab ở Trung Đông.
Ngược lại, chính phủ Israel từng nhiều lần phản đối giải pháp này khi cho rằng việc này sẽ như một “phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố". Ngày 21/2, Quốc hội Israel (Knesset) đã bỏ phiếu thông qua quyết định phản đối các nỗ lực quốc tế đơn phương công nhận sự ra đời của Nhà nước Palestine độc lập.