Hội thảo “Chiến lược Phát triển Thị trường Chứng khoán 2021 – 2030, những thách thức và tầm nhìn”, ngày 21/3. |
Nhằm tăng cường năng lực cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở Giao dịch Chứng khoán (Việt Nam, Hà Nội và TP HCM), Dự án Hợp tác kỹ thuật của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) “Nâng cao năng lực về cải thiện tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam” đã được triển khai trong 4 năm, từ 2019 - 3/2023.
Tại hội thảo tổng kết nhân kết thúc dự án này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dự án đã hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra giám sát giao dịch chứng khoán trong vận hành thị trường chứng khoán Việt Nam, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Số lượng nhà đầu tư ngày càng tăng lên, cho thấy sức thu hút của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng lớn. Tiếp nối các thành công đạt được thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra các giải pháp, chiến lược trình lên Chính phủ phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
“Mặc dù có nhiều thuận lợi nhưng chúng tôi nhận thức được còn nhiều thách thức cần đối mặt. Do đó, dự án hợp tác tiếp theo của JICA và Ủy ban Chứng khoán Việt Nam từ tháng 4/2024 là rất quan trọng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Năng lực thẩm định có vai trò quan trọng
Tổng kết về quá trình thực hiện dự án, ông Kazunobu Kojima, Chuyên gia tư vấn JICA, Cố vấn trưởng của dự án nhìn nhận, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua đã phát triển về số lượng vốn hóa. Mặc dù có sự phát triển về mặt số lượng, song thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều thách thức về mặt chất.
Do đó, năm 2019, dự án được triển khai đáp ứng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao tính công bằng, minh bạch, trong bối cảnh chuẩn bị cho sự ra đời của Luật Chứng khoán và các hành động nâng cấp thị trường.
Dự án tập trung nâng cao năng lực của Uỷ ban Chứng khoán và các Sở giao dịch Chứng khoán nhằm 4 mục tiêu: Giám sát thị trường; giám sát các trung gian thị trường; quản lý niêm yết và chào bán chứng khoán ra công chúng; nâng cao nhận thức về "trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư" của các cấp lãnh đạo công ty đại chúng và các đối tượng liên quan.
Theo kế hoạch, dự án được thực hiện trong 3 năm. Tuy nhiên do bối cảnh Covid-19 và Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Chứng khoán, nên dự án được gia hạn thêm 1 năm đến 2023.
Cố vấn trưởng của dự án cho biết, mục tiêu cần hướng đến là đến năm 2030, Việt Nam sẽ nâng cao năng lực của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng như các sở giao dịch nhằm tăng tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán.
Trong 6 tháng đầu tiên khi đi vào hoạt động, dự án đã tiến hành điều tra đầu kỳ, có những phân tích cụ thể về các vấn đề đặt ra, thu thập thông tin. Nửa năm thứ hai, dự án tiến hành các chương trình đào tạo ở cả Nhật Bản và Việt Nam.
“Năm thứ ba, chúng tôi xem xét các nghiệp vụ, chính sách nhằm giải quyết các vấn đề của thị trường chứng khoán, với sự tham gia của Ủy ban chứng khoán Nhật Bản, Ủy ban giám sát các giao dịch chứng khoán Nhật Bản và các chuyên gia”, ông Kazunobu Kojima nói.
Để Việt Nam thực hiện được Chiến lược Phát triển thị trường Chứng khoán Việt Nam 2021 – 2030, vị chuyên gia này cho rằng, cần tăng cường chức năng của các cơ quan giám sát, năng lực tự quản của các công ty chứng khoán và chất lượng của các công ty niêm yết.
“Vì những công ty chứng khoán và niêm yết kém chất lượng mới dẫn đến thao túng thị trường. Hiện nay, số lượng công ty IPO trên thị trường chứng khoán Việt Nam không tăng nhiều. Các công ty chứng khoán cần quản lý chặt chẽ hơn nữa chứng chỉ của các nhân viên môi giới chứng khoán”, ông Kazunobu Kojima khuyến nghị.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động thẩm định niêm yết, thẩm định khi chào bán chứng khoán về cả định tính và định lượng. Thông qua đánh giá của thị trường cơ sở để đảm bảo rằng chỉ có những công ty minh bạch, lành mạnh mới được tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Chúng tôi đề xuất việc xây dựng một thị trường chứng khoán nhằm đảm bảo cho các nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài dễ dàng tham gia, với sự đảm bảo tính thanh khoản cao, hướng tới tái cơ cấu thị trường chứng khoán trong tương lai”.
Khẳng định JICA sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Akira Shimizu, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhận định, để thị trường cổ phiếu của Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hấp dẫn, Chính phủ đẩy mạnh một cách cấp bách tính minh bạch, công bằng.
“Chúng tôi hy vọng sự giao lưu giữa con người hai quốc gia, đặc biệt là sự hợp tác kinh tế sẽ càng mạnh mẽ hơn nữa trong năm kỷ niệm 50 quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản”, ông Akira Shimizu kỳ vọng.
Kinh nghiệm vượt qua thời kỳ kinh tế bong bóng của Nhật Bản
Cũng trong khuôn khổ hội thảo, ông Junichi Nakajima, Cao ủy viên Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản vượt qua "thời kỳ kinh tế bong bóng" vào cuối những năm 1980.
Ông cho biết, thời kỳ đó giá cổ phiếu và giá nhà bị đẩy lên cao kéo theo các giao dịch nội gián, thao túng thị trường nở rộ, thị trường cổ phiếu sụp đổ và giảm mạnh, dẫn tới nhiều tổ chức tín dụng lớn tại Nhật Bản phá sản.
Để tránh các sự việc đáng tiếc xảy ra trên thị trường tài chính Nhật Bản những năm 1980 – 1990, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan giám sát tín dụng. Nhật Bản kiểm soát không để tín dụng quá phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng và đầu tư gián tiếp mà phải phát triển thị trường vốn. Cùng với đó là hoàn thiện tín dụng trực tiếp để duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Năm 2004 Nhật Bản đã sửa đổi Luật nhằm ngăn ngừa các giao dịch nội gián. Nếu quy định không rõ ràng thì cơ quan quản lý bỏ ngỏ hành vi vi phạm, tổn hại đến tính công bằng của thị làm mất lòng tin của nhà đầu tư.
Theo ông Junichi Nakajima, việc cần thiết là nâng cao vai trò và chức năng của các sở giao dịch chứng khoán để đóng góp vào lợi ích chung và bảo vệ nhà đầu tư. Cùng với đó là thiết lập các quy chế thẩm định và niêm yết, bao gồm cả thẩm định về định lượng và định tính mỗi công ty nộp đơn niêm yết.
"Các công ty niêm yết cần công bố cả thông tin tài chính, phi tài chính, từ quý 3/2023, Nhật Bản sẽ yêu cầu công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững", ông Junichi Nakajima cho biết thêm.