Khai quật hóa thạch loài bò sát biển đã tuyệt chủng tại Trung Quốc

hóa thạch Trái Đất
17:35 - 08/08/2023
Minh họa loài bò sát biển đã tuyệt chủng Hupehsuchus nanchangensis. Ảnh: Shi Shunyi and Long Cheng
Minh họa loài bò sát biển đã tuyệt chủng Hupehsuchus nanchangensis. Ảnh: Shi Shunyi and Long Cheng
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 7/8 trên tạp chí BMC Ecology and Evolution, các nhà khoa học cho biết đã khai quật được hóa thạch của một loài bò sát biển cổ đại được cho là loài ăn lọc giống như cá voi xanh và các loài cá voi tấm sừng hàm ngày nay tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, các hóa thạch được khai quật ở tỉnh Hồ Bắc chỉ ra rằng nó thuộc về một loài bò sát biển kỳ lạ có tên là Hupehsuchus nanchangensis sống cách đây 248 triệu năm trong Kỷ Trias.

Không giống như cá voi xanh - loài động vật lớn nhất hiện nay, Hupehsuchus có kích thước tương đối khiêm tốn khi chỉ dài khoảng 1m. Nó sở hữu một cái mõm dài và hẹp, miệng không có răng, các chi trước và sau có thể được sử dụng như mái chèo để điều hướng cơ thể cùng một cái đuôi rộng giúp nó đi về phía trước.

Phần mõm của loài động vật này có hàm dưới hẹp chỉ được kết nối tương đối lỏng lẻo so với phần còn lại của hộp sọ. Ngoài ra cũng giống như cá voi xanh và các loài cá voi tấm sừng hàm, Hupehsuchus là một loài ăn lọc. Khi ăn, nó sẽ há miệng rộng ra để lấy được nước và cả con mồi của nó là động vật phù du ở bên trong nước thông qua một cơ chế lọc.

Nếu ở loài ăn lọc hiện nay, cơ thể cá voi xanh và các loài liên quan sẽ có các tấm sừng hàm làm từ chất keratin - chất tạo nên móng tay của con người - ở phía bên trong miệng để lọc thức ăn bao gồm các loài nhuyễn thể giống tôm từ nước biển. Các nhà khoa học không tìm thấy keratin trong các hóa thạch của Hupehsuchus nhưng xác định được các rãnh và khía dọc theo các cạnh của hàm của nó. Điều này cho thấy sự hiện diện của các mô mềm có thể hoạt động giống như tấm sừng hàm nhằm lọc đồ ăn.

Theo Reuters trích dẫn nhà cổ sinh vật học Mike Benton của Đại học Bristol, Vương quốc Anh, đồng tác giả của nghiên cứu, bộ phần này có thể là “một túi mềm làm bằng da xung quanh miệng và cổ họng như ở cá voi tấm sừng hàm hiện đại, và một số bộ phần dùng để lọc treo trên hàm giống như các loài tấm sừng hàm ngày nay”.

Nhà cổ sinh vật học Long Cheng thuộc Trung tâm Khảo sát Địa chất Vũ Hán, tác giả chính của nghiên cứu, giải thích Hupehsuchus nanchangensis sẽ liên tục lọc thức ăn ở tốc độ bơi chậm từ các mảng sinh vật phù du dày đặc trên bề mặt hoặc ở vùng nước nông. Nó sẽ nuốt nước và đồng thời đưa con mồi vào miệng, lọc nước ra ngoài bằng một tấm lọc giống như tấm sừng hàm, và sau đó nuốt thức ăn”. Phong cách kiếm ăn này có phần tương tự với phong cách được sử dụng bởi cá voi đầu cong hiện đại do chúng bơi há miệng gần bề mặt đại dương để lọc con mồi nhỏ ra khỏi nước biển.

Cơ chế kiếm ăn của Hupehsuchus là một ví dụ về hiện tượng gọi là tiến hóa hội tụ, trong đó các loài động vật khác nhau tiến hóa một cách độc lập các đặc điểm tương tự để thích nghi với môi trường tương tự. Ví dụ chim, dơi và loài bò sát biết bay đã tuyệt chủng được gọi là thằn lằn bay đều tiến hóa ra cánh.

Ngoài Hupehsuchus và các loài hiện đại, có một số loài động vật có xương sống khác tại biển đã từng áp dụng các hình thức ăn lọc xuyên suốt lịch sử tiến hóa. Chúng là 2 loài bò sát biển cổ đại bao gồm Paludidraco sống cách đây khoảng 230 triệu năm và Morturneria sống cách đây khoảng 70 triệu năm.

Loài ăn lọc có xương sống lâu đời nhất được biết đến là loài cá bọc thép lớn Titanichthys, sống trước Hupehsuchus hơn 100 triệu năm. Dựa trên hóa thạch, ông Cheng nhận định Hupehsuchus có thể là động vật có xương sống ăn lọc nhỏ nhất từng được biết đến.

Đọc tiếp