UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch số 10082/KH-UBND ngày 2/10/2023 về hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2025.
Kế hoạch hướng tới mục tiêu hỗ trợ quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa dịch vụ ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn vùng ĐBDTTS&MN dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Bên cạnh đó, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định sinh kế, kết hợp với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Sầu riêng hạt lép là sản phẩm của bà con nông dân miền núi huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hoà) |
Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các hội chợ, lễ hội giao lưu văn hóa, nông sản; tổ chức các lễ hội gắn thương mại với du lịch; tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, đối thoại chính sách; tổ chức các hoạt động và các điểm kết nối tiêu thụ sản phẩm;…
Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng các mô hình thương mại hai chiều nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng ĐBDTTS&MN và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm của vùng ĐBDTTS&MN; tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại.
Ban Dân tộc tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn triển khai các hoạt động thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Nội dung số 3, Tiểu Dự án 2 - Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN.
Nguồn kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí hàng năm thực hiện hỗ trợ thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS&MN thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa cho biết, các sản vật nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh rất đa dạng, phong phú. Nổi bật như sầu riêng Khánh Vĩnh, bưởi da xanh, măng cụt, măng, chuối, mật ong rừng… Ngoài ra, còn các sản phẩm như đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, dầu gội thảo mộc,… của các cơ sở sản xuất sử dụng lao động là người vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tỉnh Khánh Hòa là nơi sinh sống của 35 dân tộc thiểu số (DTTS), như: Raglai, Hoa, Ê đê, T’rin, Tày, Nùng, Mường, Thái, Chăm, Khmer, Thổ... với hơn 72 nghìn người (chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh), trong đó dân tộc Raglai chiếm khoảng 76%, tiếp đến là các dân tộc T’rin, Ê đê.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi (gồm 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I); có 66 thôn đặc biệt khó khăn; có 3 dân tộc gặp nhiều khó khăn gồm Raglay, Ê Đê và T’rin.
Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Khánh Hòa triển khai đồng bộ, hiệu quả. Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt hơn nữa Chương trình, nhằm thu hẹp khoảng cách vùng DTTS và miền núi với các vùng trong tỉnh.