Không hoàn thành mục tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận GVR vẫn vượt 23% kế hoạch

GVR Cao su Việt Nam
12:46 - 01/02/2023
Không hoàn thành mục tiêu doanh thu nhưng lợi nhuận GVR vẫn vượt 23% kế hoạch
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (HoSE: GVR), so với kế hoạch năm 2022 đã đề ra, doanh thu của doanh nghiệp chỉ hoàn thành 89% nhưng lợi nhuận sau thuế lại vượt tới 23%, tương ứng đạt 4.797 tỷ đồng.

Trong quý 4/2022, doanh nghiệp thu về 9.012 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 6% so với quý 4/2021. Lợi nhuận gộp của GVR đạt 1.687 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu hoạt động tài chính trong quý tăng 1% so với quý 4/2021, đạt 267 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 2%, đạt 230 tỷ đồng. Đáng chú ý, phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng thêm 150%, đạt 128 tỷ đồng…

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 của GVR đạt 1.310 tỷ đồng, giảm 26% so với quý 4/2021. Theo GVR, lợi nhuận doanh nghiệp giảm do tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng khó khăn làm giá bán các mặt hàng chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ 2021 làm lợi nhuận gộp giảm đáng kể. Trong kỳ lập báo cáo, giá trị đồng Kip Lào suy giảm, dẫn tới suy giảm giá trị đầu tư sang Lào cũng giảm, từ đó các đơn vị của GVR phải trích lập dự phòng.

Cả năm 2022, doanh thu thuần của GVR đạt 25.315 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 4.797 tỷ đồng, giảm 10%. Mặc dù GVR mới chỉ hoàn thành 89% kế hoạch năm về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 123% (tương ứng vượt mục tiêu 23%).

Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, GVR đã ra thông báo điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với cả công ty mẹ và tập đoàn. Trong đó, GVR đã giảm 5% chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2022, tương ứng còn đạt 28.280 tỷ đồng, kế hoạch về lợi nhuận sau thuế lại giảm 27%, xuống còn 3.880 tỷ đồng.

Theo GVR, việc điều chỉnh giảm kế hoạch tập đoàn do xung đột một số nước trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến tiêu thụ và giá bán các sản phẩm chính, các đơn vị thành viên tập đoàn chưa thực hiện được bàn giao đất do trong thời gian chờ đợi quyết định của cơ quan có thẩm quyền…

Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của GVR đạt 78.063 tỷ đồng, giảm 1% so mức 79.014 tỷ đồng ghi nhận ngày đầu năm 2022. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm 21% so với ngày đầu năm, đạt 4.164 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn của GVR lại tăng 10% so với ngày đầu năm, lên mức 11.316 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng 15%, đạt 4.083 tỷ đồng; dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ -60 tỷ đồng ngày đầu năm lên -80 tỷ đồng vào ngày cuối năm.

Tài sản cố định hữu hình của GVR (nhà cửa, máy móc, phương tiện, vườn cây…) tăng thêm 4% so với ngày đầu năm, đạt 33.833 tỷ đồng; chi phí xây dựng dở dang của doanh nghiệp lại giảm 17%, đạt 11.953 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, nợ của GVR đạt 24.860 tỷ đồng, giảm 8% so với mức 27.074 tỷ đồng ngày đầu năm. Vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp giảm 2%, ở mức 2.589 tỷ đồng; vay và thuê nợ tài chính dài hạn giảm 23%, đạt 4.822 tỷ đồng.

Phải trả người lao động của doanh nghiệp cũng giảm 33% so với ngày đầu năm, từ 2.045 tỷ đồng xuống còn 1.360 tỷ đồng. Quỹ khen thưởng của doanh nghiệp lại tăng thêm 13%, đạt 1.700 tỷ đồng.

Trên sàn chứng khoán, tạm kết phiên sáng 1/2 giá cổ phiếu GVR đang ở mức 16.650 đồng/cp, tăng 66% so với đáy ngắn hạn phiên 15/11/2022 và giảm 59% so với đỉnh lịch sử 41.010 đồng/cp phiên 2/11/2021.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có tiền thân là ban cao su Nam Bộ. Năm 2006, Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là trồng, chế biến, kinh doanh cao su; công nghiệp cao su; chế biến gỗ… Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Năm 2018, GVR chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn UPCom; năm 2020, chính thức lên sàn HoSE.

Đọc tiếp