Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến và Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long chủ trì hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai công tác quý II lĩnh vực thú y chiều ngày 12/4, ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nói rằng, doanh nghiệp chăn nuôi không thể chỉ trông chờ vào thị trường 100 triệu dân. Hiện tại sức tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi nội địa còn yếu trong khi lực sản xuất, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, trang trại tạo ra sản phẩm chăn nuôi rất lớn.
“Phải làm sao để doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm được, đặc biệt ưu tiên thị trường Trung Quốc khi quốc gia này cho phép xây dựng vùng an toàn dịch bệnh khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc,” ông Tống Xuân Chinh nhận định.
Cũng lưu ý về thị trường Halal đầy tiềm năng với hơn 2 tỷ người, ông Chinh khuyến cáo rằng doanh nghiệp Việt có thể xuất khẩu sản phẩm thịt gà, sản phẩm đông lạnh chế biến theo tiêu chuẩn Halal.
Trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y sẽ phối hợp chặt chẽ, xem xét và rà soát lại các tỉnh có tiềm năng, đặc biệt là tỉnh biên giới, khu vực có khả năng đầu tư của các doanh nghiệp lớn như CP, De Heus… Trong đó, tập trung vào vấn đề doanh nghiệp thực hiện vùng an toàn dịch bệnh, tiếp đến là đáp ứng các điều kiện chứng nhận, xuất khẩu sang các thị trường.
Lô tổ yến đầu tiên xuất khẩu vào Trung Quốc theo con đường chính ngạch. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Về xuất khẩu, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 9 nhà máy của 9 doanh nghiệp được cơ quan hải quan Trung Quốc chấp thuận được phép xuất khẩu yến tinh và sản phẩm yến vào Trung Quốc.
Cục Thú ý cũng chuẩn bị công tác đàm phán xuất khẩu sản phẩm bơ sang thị trường Nhật Bản. Đồng thời hỗ trợ 3 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục đăng ký xuất khẩu vào EU trên hệ thống TRACES, hỗ trợ thành công cho 4 doanh nghiệp xuất khẩu da trăn sang Trung Quốc.
Cục Thú y cũng tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Hàn Quốc, Anh và Mông Cổ, chuẩn bị nội dung trả lời và hồ sơ đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trung Quốc hiện đã có thông báo xem xét về việc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam cùng bộ câu hỏi đánh giá rủi ro. Hiện nay, Cục Thú y, Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu, tổng hợp thông tin để trả lời và gửi cho TCHQ trong thời gian sớm nhất, theo thông tin từ hội nghị trên.
Cập nhật về tình hình phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm, đại diện Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 7 tỉnh, thành phố với 11.569 con gia cầm mắc bệnh, số gia cầm chết và tiêu hủy là 12.424 con; 171 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 31 tỉnh, thành phố…
Cả nước hiện có một ổ dịch CGC A/H5N1 chưa qua 21 ngày; có 42 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 18 tỉnh chưa qua 21 ngày; 19 ổ dịch lở mồm long móng tại 3 tỉnh Điện Biên, Sơn La và Quảng Nam chưa qua 21 ngày; 14 ổ dịch viêm da nổi cục tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Khánh Hòa chưa qua 21 ngày; 24 ổ dịch dại trên động vật tại 13 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày.
Thời gian qua, Cục Thú y đã chủ trì phối hợp với ngành Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT với 63 tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024 tại Hà Nội ngày 27/3/2024.
Cục này cũng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thực hiện xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE) (theo Quyết định 889/QĐ-TTg ban hành ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ).
Trong quý 1/2024 (15/12/2023- 14/3/2024), tại Việt Nam có khoảng 541 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản phát sinh dịch bệnh, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm trước (có tổng diện tích bị bệnh gần 767 ha); gần 244 bè, vèo nuôi thuỷ sản bị mắc bệnh thông thường.