Ảnh minh họa. |
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh, phát huy và lan toả giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc rất ít người.
Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Diễn ra trong 3 ngày từ ngày 03 – 05/11/2023, quy mô chương trình gồm 13 tỉnh: Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum. Với sự tham dự của 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người như: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn và Ngái.
Chương trình gồm các hoạt động nổi bật như: dâng hoa Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Lai Châu; khai mạc chung các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại Ngày hội; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; gặp mặt các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều thành tích đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia Ngày hội; khai mạc Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; trình diễn, giới thiệu trích đoạn nghi lễ Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn của Đoàn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang...
Nhân dịp này, tỉnh Lai Châu sẽ kết hợp tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn, nhằm tạo sân chơi cho đồng bào các dân tộc địa phương. Qua đây, Lai Châu sẽ giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của 20 dân tộc anh em trên địa bàn và quảng bá, kích cầu, thu hút khách du lịch đến địa phương.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống xây dựng môi trường du lịch bền vững
Theo Đảng bộ tỉnh Lai Châu (Nghị quyết số 04-NQ/TU), giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Lai Châu.
Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Bản văn hóa du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ. Ảnh: Cổng TTĐT Lai Châu |
Trong những năm qua, Lai Châu đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát huy những thế mạnh sẵn có địa phương. Điển hình như xây dựng thành công các bản văn hóa du lịch cộng đồng như bản Vàng Pheo, xã Mường So và bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường; bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu,...
Tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường; Chương trình Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên…
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, trong 9 tháng năm nay, toàn tỉnh ước đón hơn 799.000 lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt hơn 586 tỷ đồng.