"Xanh hóa" ngành hàng thanh long tăng giá trị xuất khẩu. Ảnh minh họa. |
Ngày 17/8, Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đồng tổ chức hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”.
Nằm trong khuôn khổ dự án "Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam", sự kiện nhằm thúc đẩy các giải pháp đổi mới sáng tạo về công nghệ số trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn để hỗ trợ thực hiện các cam kết NDC nông nghiệp.
Tại hội nghị, lần đầu tiên UNDP và Bộ NN&PTNT giới thiệu mô hình về hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi xuất xứ và dấu chân carbon của từng trái thanh long được sản xuất tại Bình Thuận.
Với hệ thống này, người tiêu dùng trong nước và quốc tế khi mua hoặc nhập khẩu thanh long từ vùng sản xuất trọng điểm Bình Thuận, Việt Nam, giờ đây có thể quét mã QR để truy xuất nguồn gốc trái cây và mức độ thực hành “xanh” hoặc thân thiện với môi trường được áp dụng để sản xuất ra trái cây này một cách minh bạch nhất.
Hội nghị “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” ngày 17/8. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử theo dấu chân carbon thanh long là một công cụ quan trọng cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam.
Công cụ giúp theo dõi và quản lý mức độ phát thải khí nhà kính của chuỗi cung ứng và tránh những rào cản không cần thiết khi xuất khẩu sang các thị trường giá trị cao, thường là nơi đang tiến tới áp dụng cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới.
Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, chuyển đổi số trong NN&PTNT là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp, khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân. Đây là phương thức quan trọng giúp người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất, nhưng đạt lợi nhuận cao nhất”.
“Tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng số ở khu vực nông thôn cần được cải thiện, quy mô ứng dụng chuyển đổi số vẫn cần mở rộng và đồng bộ. Nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số. Vì vậy, chuyển đổi số nông nghiệp cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Hoàng Trung nêu yêu cầu.
Dấu vết carbon trong sản xuất thanh long. Nguồn: Bộ NN&PTNT. |
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi hệ thống truy xuất nguồn gốc carbon số hóa đã được thiết lập cho 2 mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là thanh long và tôm.
Theo ông Patrick Haverman, công cụ này rất cần thiết đối với chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng để hoạt động trong một nền kinh tế xanh.
“Thông qua việc sử dụng công nghệ để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh thông minh phù hợp với khí hậu và tăng sinh kế bền vững của nông dân địa phương, sẽ mở đường cho một tương lai xanh hơn, thịnh vượng hơn cho nền nông nghiệp Việt Nam”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.
Dự án “Thúc đẩy đầu tư của tư nhân vào nông nghiệp carbon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam” (NDC Nông nghiệp) do Bộ NN&PTNT và UNDP phối hợp thực hiện với tỉnh Bình Thuận và tỉnh Bạc Liêu từ năm 2019 đến 2023.
Với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Đức, Tây Ban Nha và Liên minh Châu Âu, dự án nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong việc tài trợ, hỗ trợ và thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng có cơ sở kỹ thuật, khả thi về mặt tài chính, có cảnh báo về rủi ro để hỗ trợ các mục tiêu NDC của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.